Tim Cook – người kế vị xuất sắc tại Apple

Cuối tháng trước, CEO Apple đã được tạp chí Fortune bình chọn là “Lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới”. Ông cho biết: “Da tôi dày lắm. Giờ còn dày hơn nữa cơ. Cái tôi học được sau khi Steve ra đi, điều mà trước đó tôi chỉ biết ở tầm lý thuyết, đó là ông ấy chính là lá chắn nhiệt tuyệt vời cho đội ngũ lãnh đạo chúng tôi. Chẳng ai trong chúng tôi từng đánh giá đúng chuyện đó, vì không ở vị trí của ông ấy. Chúng tôi chỉ tập trung vào sản phẩm và điều hành công ty mà thôi. Ông ấy nhận lấy mọi sự công kích. Và dĩ nhiên cả những lời khen ngợi nữa. Nhưng nói thật là, áp lực lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi”.

Ở tuổi 54, Cook đã phải nghe đi nghe lại điệp khúc “Apple không thể đổi mới dưới sự lãnh đạo của Tim”, “công ty này cần sản xuất iPhone giá rẻ thì mới cạnh tranh được với thiết bị chạy Android của Google”, hay “Cook sẽ không bao giờ làm được kỳ tích như Jobs đâu” và chốt lại là, “Apple sẽ không thể trở lại thời hoàng kim trước đó”. Trước những lời phán xét ấy, Cook đã tự dạy mình cách phớt lờ dư luận.

cook-4179-1428164057.jpg

Tim Cook (trái) và Steve Jobs (phải) trong một sự kiện của Apple. Ảnh: LA Times

Không ai có thể nói trước liệu Apple Watch, Apple Pay hay thương vụ mua lại Beats năm 2014 có thành công hay không. Nhưng chắc chắn, những thứ trên là bằng chứng cho thấy Apple đang tiến về phía trước dưới sự điều hành của CEO “ngoại đạo” đầu tiên kể từ khi Gil Amelio bị sa thải năm 1997 (Cook không phải người đồng sáng lập Apple). Hơn nữa, những bước tiến này chí ít cũng phần nào phản bác luận điệu của công chúng rằng Cook khó có thể đảm đương trọng trách mà Jobs để lại.

Cổ phiếu Apple đã tăng lên gần 130 USD từ 54 USD khi Jobs qua đời. Vốn hóa lên 700 tỷ USD, biến Apple thành công ty đầu tiên đạt ngưỡng này. Thực tế, thị giá của Apple cao gấp đôi Microsoft và Exxon Mobil. Núi tiền mặt của hãng cũng tăng gấp 3 so với năm 2010, đạt 150 tỷ USD. Apple cũng giữ vững được vị thế của mình trong thị trường smartphone, đặc biệt là ở Trung Quốc – nơi đóng góp doanh thu 38 tỷ USD năm ngoái.

Tháng 10/2014, Cook tuyên bố mình là người đồng tính, trở thành CEO đầu tiên của các công ty trong Fortune 500 (500 công ty lớn nhất Mỹ) công khai chuyện này. Kể từ đó, Cook luôn tận dụng các buổi diễn thuyết của Apple trên thế giới để nói về những chủ đề như nhân quyền, tiếp cận giáo dục, trao quyền cho phụ nữ, cải cách về chính sách nhập cư và quyền riêng tư cá nhân.

cook-1-1660-1428164058.jpg

Tim Cook đã vượt qua cái bóng của Steve Jobs. Ảnh: BI

Cook khác Jobs ở rất nhiều mặt, không chỉ là việc ông sẵn sàng lên tiếng trước các vấn đề xã hội. Rời Compaq và gia nhập Apple năm 1998, Cook không phải kiểu lãnh đạo “là chuyên gia” trong những mảng trọng yếu, như phát triển sản phẩm, thiết kế hay marketing. Vì vậy, cách ông điều hành Apple giống như một huấn luyện viên tin tưởng các cầu thủ của mình, khác hẳn Jobs.

Kết quả thu về là sự ổn định trong hàng ngũ quản lý cấp cao mà không mấy người kỳ vọng đến. Eddy Cue – Phó chủ tịch cấp cao phụ trách phần mềm và dịch vụ Internet chia sẻ: “Tim chưa bao giờ cố trở nên giống Steve. Ông ấy luôn để chúng tôi làm công việc của mình, chỉ tham gia ở cấp cao và khi cần thiết. Còn Jobs xuất hiện ở cả những khâu nhỏ nhất”.

Quyết tâm bảo vệ văn hóa doanh nghiệp khác biệt do Jobs gây dựng, nhưng Cook cũng đang dần thay đổi nó theo cách riêng của mình. Nếu Jobs phản đối chia cổ tức và mua lại cổ phiếu, Cook lại rất tích cực thực hiện việc này. Jobs tránh các thương vụ thâu tóm, còn Cook lại quyết định mua Beats với giá 3 tỷ USD. Jobs hạn chế tối đa sự tương tác giữa nhân viên của mình và báo giới, còn Cook lại khuyến khích việc này, ông cho rằng để công chúng biết nhiều hơn về đội ngũ lãnh đạo sẽ tốt cho Apple sau này…  Không ai dám chắc Jobs sẽ đồng tình hay phản đối cách làm của Cook, nhưng trong những ngày cuối đời, chính Jobs đã dặn Tim đừng quá ám ảnh về việc cố gắng làm như ông khi phải đưa ra quyết định lớn. Cho nên, việc Jobs nghĩ gì về cách mà Cook dẫn dắt Apple, suy cho cùng, cũng không mấy quan trọng.

Tuy cách Cook dẫn dắt Apple gần như trái ngược với Jobs, ở cả hai người họ có một điểm chung lớn đó là sự chú trọng vào các sản phẩm cốt lõi và định hướng dài hạn. Jean-Louis Gassée, một lãnh đạo Apple thập niên 1980 cho biết: “Họ có chung một đam mê, đó là máy tính cá nhân. Và giờ đây, họ sản xuất những chiếc “máy tính cá nhân” với 3 kích thước nhỏ, vừa, và lớn – lần lượt là iPhone, iPad, và laptop/máy tính để bàn. Mọi thứ khác bao gồm cả Apple Watch cũng chỉ là công cụ để đẩy mạnh lợi nhuận của những sản phẩm này mà thôi”.

Theo Gassée, chiến lược của Cook hoàn toàn giống với những gì Jobs làm cách đây 15 năm, khi iTunes ra đời để tăng doanh số iPod và Mac. “Tim đang chơi cuộc chơi dài hạn theo cách riêng của ông ấy”, Gassée nói.

Đối với Cook, ưu tiên hàng đầu tại Apple là thay đổi thế giới, sau đó mới đến kiếm tiền. Ông dự định cho đi toàn bộ tài sản của mình sau khi để ra một khoản tiền vừa đủ cho cháu trai học đại học. Tài sản ròng của Cook, dựa trên số cổ phiếu tại Apple, vào khoảng 120 triệu USD. Ông cũng đang sở hữu cổ phiếu hạn chế trị giá 665 triệu USD. Cook cho biết, ông đã và đang bí mật làm từ thiện. Nhưng điều ông muốn là từng bước xây dựng phương pháp tiếp cận có hệ thống đối với công tác nhân đạo thay vì chỉ viết những tấm séc.

Bỏ qua thất bại của ứng dụng nhận dạng giọng nói Siri hay dịch vụ bản đồ Apple Maps vài năm trước, thành công mà iPhone 6 và iPhone 6 plus mang lại, cùng sự ra đời của Apple Pay và Apple Watch, hay việc xây dựng trụ sở mới nhằm tạo môi trường làm việc lý tưởng nhất cho nhân viên đã cho thấy tài năng cũng như tầm nhìn của Tim Cook. Ông đã vượt lên khỏi những chỉ trích, phán xét từ dư luận để chứng minh bản lĩnh của mình.

Thanh Tuyền(theo Fortune)

0913.756.339