Thứ trưởng Giao thông: ‘Không độc quyền việc thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử’

Thông tin trên được Thứ trưởng Giao thông – Lê Đình Thọ cho biết tại hội nghị triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng ngày 26/1.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, đã có nhiều doanh nghiệp tiến hành thử nghiệm ứng dụng dịch vụ gọi xe qua hợp đồng điện tử như GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp. “Tuy đến nay mới có đề án GrabCar của Công ty TNHH Grab Taxi  là duy nhất đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kết nối và được Thủ tướng cho phép áp dụng thí điểm tại 5 địa phương, song xu thế ứng dụng gọi xe qua hợp đồng là tất yếu”, ông Thọ nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, điều quan trọng nhất trong việc đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động vận tải chính là giúp kết nối khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, tiết kiệm chi phí. “Qua đó giảm tình trạng xe chạy rỗng cũng như giảm ùn tắc giao thông đồng thời cơ quan quản lý có thể giám sát được hoạt động của xe. Tuy vậy, không loại trừ có những vấn đề phát sinh khi thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh”, ông Hùng thận trọng.

Ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp), kể rằng trước khi có văn bản của Thủ tướng cho phép thí điểm cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về góc độ pháp lý. “Dù Nghị định 86 về kinh doanh vận tải chưa quy định về hợp đồng điện tử nhưng Luật Công nghệ thông tin đã có. Và trong một vấn đề, văn bản nào có tính pháp lý cao hơn thì chúng ta áp dụng, nên không có lý gì lại không cho thực hiện thí điểm”, ông Hải nêu quan điểm.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho biết, đã có ý kiến băn khoăn việc quản lý thuế vì sợ thất thu, song với công nghệ hiện nay của ngành thuế, hải quan thì điều này không đáng ngại.

Dù vậy, vị này khuyến cáo việc thí điểm này không chỉ áp dụng riêng cho một doanh nghiệp mà bất cứ đơn vị nào nếu thấy đủ điều kiện thì tham gia cũng như cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra để quản lý chặt.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, mục đích chính của đề án là nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vận tải hành khách nên cơ quan quản lý sẽ không chủ trương cho một doanh nghiệp nào được độc quyền.

“Bất kỳ đơn vị nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì có thể đề xuất lên Bộ để đăng ký tham gia thí điểm, như mở rộng ra các địa phương khác cho những doanh nghiệp đến sau”, ông Thọ nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô thì kiến nghị cơ quan quản lý sớm mở rộng đối tượng thí điểm ra với xe khách hợp đồng trên 9 chỗ ngồi. Cùng với đó, Bộ Giao thông cũng xem xét để khi sửa luật Giao thông Đường bội 2008 sắp tới thì đưa quy định về quản lý xe hợp đồng điện tử vào và hướng tới thực hiện sàn giao dịch điện tử.

Ngày 7/1, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định về việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sau khi Chính phủ đồng ý cho Công ty TNHH GrabTaxi triển khai thí với  xe chở khách dưới 9 chỗ hồi tháng 10/2015. Việc thí điểm được thực hiện từ nay đến 2018 tại 5 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Trung Đức

0913.756.339