Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biến độ điều chỉnh hồi tháng 8, giá đôla Mỹ trên thị trường thiết lập một mặt bằng mới. Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD mua vào – bán ra hiện ở 22.445 – 22.505 đồng, tăng 665 đồng so với cuối tháng 6 và tăng 1.100 đồng so với đầu năm. Mức dao động lớn như trên khiến nhân viên, chuyên gia làm việc cho các doanh nghiệp, văn phòng đại diện nước ngoài luôn trong tâm trạng mong chờ, đặt câu hỏi xem liệu thu nhập có tăng lên hay không.
Chị Huyền, nhân viên một doanh nghiệp của Nhật Bản tại Hà Nội cho biết cơ quan chị thỏa thuận lương là 1.000 USD một tháng, khi thanh toán sẽ quy đổi ra tiền Việt theo tỷ giá nhất định, như nửa đầu năm nay là 21.400 đồng. Định kỳ, công ty sẽ xem xét điều chỉnh lại thang lương nếu tỷ giá biến động mạnh.
“Lần này nghe tin tỷ giá tăng mạnh, mình hy vọng lắm, bởi không chỉ lương mà một số khoản phụ cấp, thưởng khác có thể tăng theo. Số tiền cả triệu đồng cũng hề nhỏ”, Huyền nói.
Nhiều nhân viên công ty, tổ chức nước ngoài đang nghe ngóng liệu thu nhập có tăng theo tỷ giá hay không. |
Tuyến mới chuyển sang làm cho công ty quảng cáo của Hàn Quốc tại Mỹ Đình đầu năm nay nhận được mức lương 400 USD, quy đổi từ USD ra tiền Việt hơn 8 triệu đồng. Nghe tin tỷ giá tăng lên, dù số tiền chênh không lớn lắm nhưng Tuyến vẫn hy vọng, vì được đồng nào hay đồng đó và tính dồn năm sẽ là tiền triệu.
Cũng được trả lương theo đôla Mỹ, Lan – nhân viên một tổ chức nghiên cứu môi trường cho hay vào ngày mồng 10 hằng tháng, cô sẽ được trả lương vào tài khoản bằng tiền Việt, quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank tại ngày thanh toán. Dịp này, Lan và nhiều nhân viên trong công ty rất trông đợi xem ngày 10/9 tới đây thu nhập của mình sẽ biến động như thế nào.
Một số doanh nghiệp nước ngoài, đa phần ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn cũng trả lương quy đổi từ USD ra tiền Việt theo một tỷ giá đã được hai bên thỏa thuận, điều khoản kèm theo là sẽ điều chỉnh nếu tỷ giá biến động mạnh trong năm.
Năm nay là giai đoạn tỷ giá biến động mạnh nhất trong 4 năm qua. Giá USD bán ra tại Vietcombank đã tăng 5,1% từ đầu năm, trong khi năm 2013 và 2014 cùng tăng 1,3%, 2012 giảm 0,86%. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ đầu năm tăng 644 đồng, trong khi năm 2014 tăng 210 đồng, năm 2013 tăng 208 đồng và năm 2012 không thay đổi. Bởi vậy, nhiều nhân viên đang trông đợi thu nhập năm nay sẽ được xem xét điều chỉnh do yếu tố trượt giá.
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định doanh nghiệp nước ngoài chỉ được trả lương, thưởng và phụ cấp bằng ngoại tệ cho lao động nước ngoài, còn với người Việt Nam, mọi thu nhập đều phải chuyển sang tiền đồng khi thanh toán. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chọn cách thỏa thuận lương bằng đôla Mỹ, sau đó thanh toán mới quy đổi sang tiền đồng.
Phụ trách nhân sự một doanh nghiệp nước ngoài ở Vĩnh Phúc cho hay việc tính lương dựa trên ngoại tệ, một phần có thể do chế độ tiền lương, phụ cấp vẫn do công ty mẹ ở nước ngoài quy định, chuyển đổi sang tiền đồng chỉ nhằm phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, doanh nghiệp đưa ra mức lương bằng đôla Mỹ sẽ dễ thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc hơn, bởi “trả lương bằng đôla” vẫn là cụm từ tạo được sức hấp dẫn khi tuyển dụng người tài, trong bối cảnh tiền Việt Nam có thời gian dài trượt giá.
Nhưng bên cạnh tâm trạng chờ mong, không ít nhân viên thấp thỏm vì chính sách tiền lương tại doanh nghiệp ngoại ngày càng khắt khe. Chị Huyền cho hay sang tháng 7 năm nay, tỷ giá đã tăng 400-500 đồng một đôla Mỹ so với đầu năm, tính toán ra lương có thể tăng 400.000 – 500.000 đồng cùng một số khoản phụ cấp khác lên theo. Tuy nhiên, thu nhập thực tế của nhân viên này không tăng mà còn gặp nhiều chuyện tréo ngoe.
“Tôi và đồng nghiệp trong công ty ban đầu rất mừng, nhưng bỗng nhiên nhân sự thông báo từ giờ sẽ không tính tiền overtime (làm thêm giờ)”, Huyền chia sẻ. Điều này có nghĩa nếu trước đây, cô có thể nhận thêm từ 2-3 triệu đồng tiền làm thêm giờ mỗi tháng, thì khoản này đã bị cắt, mà quy định của công ty là làm xong việc mới được về nên trên danh nghĩa là tăng lương nhưng thu nhập thực tế lại giảm đi.
“Lần này, không biết thu nhập có tăng lên không hay lại tiếp tục bị trừ các khoản. Công việc thì ngày một nhiều lên”, vị nữ nhân viên này than thở.
Hay với Lan, trong hợp đồng ghi là điều chỉnh theo tỷ giá tại ngày thanh toán, nhưng trong các kỳ trước, công ty cho rằng giá USD chỉ dao động nhỏ nên khi làm bảng lương, nhân sự vẫn tính theo một mức tỷ giá như đầu năm. “Tỷ giá tăng mạnh như vậy, lương mà không tăng thì buồn lắm”, cô cho biết.
Hoặc với nhân viên làm cho dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO), do ngân sách là cố định và mức thu nhập đã được đàm phán ngay từ đầu, nên dù giá tỷ giá có biến động mạnh, lương và thu nhập vẫn như cũ, Hà – nhân viên một NGO chia sẻ.
Vị đại diện nhân sự trên cũng cho biết với việc tỷ giá tăng vào tháng 8, có thể phải đợi cuối tháng 9 công ty mới có kết luận cuối cùng xem liệu có mức tăng phù hợp cho các nhân viên được đối chiếu lương theo ngoại tệ hay không.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho hay theo quy định, nếu trong hợp đồng lao động ghi rõ lương được quy đổi từ ngoại tệ ra nội tệ thì khi tỷ giá biến động, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh mức chi trả cho hợp lý. Nếu thấy vướng mắc, người lao động có thể làm việc với các Sở Lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một thời từng làm cho doanh nghiệp nước ngoài lại nhận định khả năng tiền lương biến động mạnh theo tỷ giá khó xảy ra. “Kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài muốn cắt giảm chi phí. Ngoài ra, lương là để người lao động đảm bảo cuộc sống, nếu giá cả không tăng, doanh nghiệp sẽ thấy không cần phải điều chỉnh nhiều”, ông nói.
Song, trong trường hợp hợp đồng ghi rõ là quy đổi mà doanh nghiệp lại không đối chiếu khi tỷ giá biến động mạnh, ông cho rằng người lao động hoàn toàn có quyền thắc mắc vì giới chủ làm sai thỏa ước cam kết lao động.
Huyền Thư