Thành tỷ phú từ sản phẩm vệ sinh

Năm 1984, Hui Lin Chit đang quản lý một xưởng may nhỏ và một công ty vận tải ở Anhai (Phúc Kiến, Trung Quốc). Tuy nhiên, doanh nhân 30 tuổi vẫn chưa hài lòng với những gì đang có. Cho đến một ngày, có người đến gõ cửa phòng làm việc của ông, chào hàng thiết bị của Đài Loan để sản xuất băng vệ sinh.

Hui chưa bao giờ nhìn thấy sản phẩm này, cũng như phần lớn phụ nữ Trung Quốc thời đó, do chúng mới có mặt ở vài nơi. Nhưng ông rất nhanh chóng nhìn ra cơ hội kinh doanh. “Tôi biết sản phẩm này sẽ thay thế hoàn toàn giấy và vải phụ nữ đang sử dụng. Nó sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái và tiện lợi”, ông nhớ lại.

Hui đã gây dựng Hengan thành hãng sản xuất đồ vệ sinh cá nhân lớn nhất Trung Quốc. Thành công này đã giúp Hui trở thành người giàu thứ 50 Trung Quốc năm nay, với tài sản 2,45 tỷ USD. Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch công ty – Sze Man Bok xếp thứ 47 với 2,5 tỷ USD.

Hui-Lin-Chit-7020-1415608859.jpg

Hui Lin Chit từng có cuộc sống nghèo khổ khi còn nhỏ. Ảnh: Forbes

Hui lớn lên trong một gia đình nghèo và thậm chí chưa học hết cấp 1 do trường tiểu học bị đóng cửa. Gia đình ông trồng khoai lang, lạc và bán trứng gà trong thị trấn để kiếm sống. Ngày nay, tỷ phú 61 tuổi vẫn còn sống tại đây.

Trước khi mua chiếc máy trên, Hui đã mua hai gói băng vệ sinh của Mỹ và đưa cho một số bạn bè. Sau khi nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, ông đồng sáng lập Hengan năm 1985, đổ vào 1,36 triệu NDT từ hàng chục bạn bè và người thân. “Tất cả chúng tôi đều từng là nông dân. Chẳng ai nghĩ mình có thể làm lớn đến vậy. Chúng tôi chỉ muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại mà thôi”, ông cho biết trên Forbes.

Để có đất và kiến thức quản trị công ty, Hui nhờ đến sự trợ giúp của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước trong vùng. Đổi lại, giới chức tỉnh nhận được cổ phần của công ty và dần bán ra khi công ty IPO 15 năm sau đó.

Hui đã tuyển Yang Rong Chun – người giới thiệu nhân viên kinh doanh nọ đến chào hàng tại công ty của Hui. Yang từng là kỹ sư, vì vậy, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu cách dùng loại máy mới. Tuy nhiên, để có đủ ngoại tệ mua máy, Hui đã phải đi mua thêm ở thị trường chợ đen với giá đắt gấp đôi tỷ giá chính thức.

Khi ấy, Trung Quốc còn không có sẵn nguyên liệu thô để sản xuất băng vệ sinh hay thậm chí là cả bao bì. Vì thế, Sze đã phải mua từ Hong Kong (Trung Quốc).

Yang là người có đóng góp rất lớn cho sự phát triển ban đầu của Hengan khi tìm ra cách chế tạo những chiếc máy giống y hệt, từ đó làm tăng công suất của nhà máy. Công ty cũng nổi trội so với các đối thủ khi tập trung vào hiệu suất và cắt giảm chi phí, liên tục ra mắt sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng.

Sản phẩm chủ lực của hãng – Space 7 đóng góp tới hơn 80% doanh thu mảng sản phẩm vệ sinh. Thị phần của Hengan tại Trung Quốc hiện là 11%, cao hơn cả Procter & Gamble (Mỹ) và Unicharm (Nhật Bản).

Năm 1996, hãng mở rộng sang thị trường tã giấy. Nhưng thị trường này khốc liệt hơn nhiều, khi Hengan chỉ có 9% thị phần, đứng thứ 4 sau các đối thủ ngoại là P&G, Unicharm và Kimberly-Clark. Đến năm 2011, sau nhiều năm nghiên cứu, Hengan mới sản xuất được loại tã giấy dùng một lần có chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu của nhiều bà mẹ Trung Quốc. “Từ thời điểm đó, tôi mới có thể nói rằng mình cũng chẳng kém gì các công ty đa quốc gia khác”, Hui cho biết.

Năm 1997, Sze, Hui, Yang và một nhà đồng sáng lập Hengan khác mở một công ty sản xuất giấy ăn. Đến năm 2003, họ sáp nhập công ty này vào Hengan. Hiện mảng này đóng góp doanh thu lớn nhất cho hãng với 48% năm 2013 (2,7 tỷ USD), sau đó là băng vệ sinh (28%). Tuy nhiên, băng vệ sinh mới là sản phẩm có lợi nhuận lớn nhất (66,3%).

Hui cho biết thành công ngày nay của hãng là nhờ mức độ tự động hóa cao, quy trình sản xuất tích hợp giúp tiết kiệm chi phí và nhiên liệu giữa các sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty tham vấn các chuyên gia phương Tây từ rất sớm, áp dụng nhiều bí quyết quản trị, giám sát, đánh giá trong sách vở. Hãng đang làm việc với IBM để củng cố hệ thống công nghệ thông tin.

Mạng lưới phân phối của Hengan cũng lớn nhất nước với hơn một triệu điểm bán trên toàn quốc, gần gấp đôi 4 năm trước. Phần lớn là các cửa hàng nhỏ.

Khi Hengan IPO năm 1998, rất nhiều họ hàng và bạn bè đang nắm vị trí lãnh đạo trong công ty đều phải rời đi, trong đó có cả 2 anh của Hui. “Chúng tôi thực sự muốn thoát khỏi mô hình gia đình và áp dụng mô hình hiện đại. Nếu không làm IPO, chúng tôi sẽ không phát triển được như ngày nay”, Hui cho biết.

Ngày nay, Sze và Hui không còn tham gia nhiều vào hoạt động thường ngày của công ty nữa. Việc này được giao lại cho Phó giám đốc – Xu Shui Shen. Con cháu các lãnh đạo công ty cũng không được làm việc chính thức tại đây. Con trai Hui cũng đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và bất động sản. “Vì chúng đều không muốn làm sản phẩm vệ sinh”, ông giải thích.

Hà Thu

0913.756.339