Đôi lần chúng ta như con tàu mất phương hướng, cứ mãi lênh đênh vô định giữa biển đời. Những thất bại, tuyệt vọng khiến chúng ta trở nên trơ trọi, không biết bám víu vào đâu. Vào thời điểm ấy, nếu ta vô tình đọc được một đoạn văn hay một câu trong một quyển sách nào đó về nghệ thuật sống thì nó sẽ là sợi dây giúp chúng ta thoát khỏi vực sâu bế tắc. Quyển sách hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn là một trong những quyển sách bán chạy nhất thế giới, được tác giả Jeff Keller viết ra qua sự đúc kết trải nghiệm của ông, đó là Thay thái độ, đổi cuộc đời.
Tải được gì |
Tôi còn nhớ mẩu chuyện vui về người đàn ông than thở cùng vị học giả rằng cuộc đời ông ta chấm dứt từ đây vì ông đã bị phá sản. Không một xu dính túi, không còn lại gì cho ông để nắm níu cuộc sống này. Vị học giả chỉ cười và bảo ông rằng: “Ông còn đi được, nói được, nhìn được và nghe thấy được. Vậy tôi cho rằng cái gì ông cũng còn, chỉ có tiền là mất”. Điều này cho thấy: chỉ cần nhìn sự việc ở góc độ khác thì vấn đề không quá bi quan như chúng ta lầm tưởng. Cũng giống như cùng một cái ly lưng chừng nước nhưng việc nhìn nhận “ly đầy một nửa” hay “ly vơi một nửa” tuỳ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta mà thôi. Chính vì thế, việc thay đổi cách suy nghĩ, nhìn nhận sự việc sẽ chi phối rất nhiều đến sự thành công hay thất bại của mỗi người. Tất cả bắt đầu từ “nhất niệm”, vì thế mới có câu “nhất niệm thành ma, nhất niệm thành Phật”.
Do đó, tầm quan trọng từ suy nghĩa đã được Jeff Keller đặt lên đầu tiên trong ba phần chính của quyển sách bao gồm: Sự tự tin và thành công bắt đầu từ suy nghĩ, Sức mạnh của ngôn từ, và Hãy hành động để đạt được mong ước. Suy nghĩ, phát triển ý tưởng và hành động là một chuỗi mắt xích xuyên suốt mà trước tiên việc bạn chấp nhận thay đổi các suy nghĩ theo lối mòn và tiêu cực. Để sẻ chia những triết lý sâu sắc, Jeff Keller đã nghiệm được nhiều điều khi ông chán nản với công việc luật sư mà ông đã khó nhọc học hành.
Tôi nghĩ rằng bạn và tôi có mối tương đồng nào đó với tác giả. Nhất là việc chúng ta tâm huyết học ngành nghề mà mình yêu thích, làm đúng chuyên môn của mình nhưng lại có thời điểm công việc đó là nỗi ám ảnh khiến ta ngao ngán và mất đi đam mê, hứng khởi. Điều này cũng dễ hiểu thôi, nếu môi trường làm việc của bạn quá căng thẳng hoặc bạn phải đối mặt với những người luôn gây hấn với bạn, mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp căng như sợi dây đàn thì bạn sẽ phải khốn khổ mỗi ngày khi phải “vác xác” đến cơ quan.