Tân CEO DongA Bank: ‘Tôi không cảm thấy áp lực’

Sau buổi lễ nhậm chức sáng 31/12, ông Nguyễn Thanh Tùng, tân Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đã có những chia sẻ liên quan đến tình hình của nhà băng này cũng như những suy nghĩ của ông khi nắm giữ “ghế nóng” trong bối cảnh DongA Bank rơi vào kiểm soát đặc biệt.

Nắm giữ vị trí điều hành cao nhất của Ngân hàng Đông Á trong giai đoạn có thể nói là rất khó khăn khi nhà băng đang bị kiểm soát đặc biệt, nợ xấu cao…Vậy ông có thể chia sẻ vài cảm nhận cá nhân?

– Bản thân tôi cho rằng, làm việc gì cũng phải nghĩ đến trách nhiệm là trên hết, và luôn ý thức được trọng trách mà Ngân hàng Nhà nước cũng như gần 4.000 cán bộ công nhân viên của DongA Bank tin tưởng, ủy thác. Do đó, tôi chỉ tâm niệm là phải cố gắng hết sức mình để không phụ lòng tin đó.

Hiện tại, với cương vị mới này, tôi không thấy áp lực hay lo lắng nhiều. Bởi tôi tin rằng, với một nền tảng hoạt động khá tốt trước đó, sự tín nhiệm cao từ khách hàng, đặc biệt là sự đoàn kết, tâm huyết của đội ngũ cán bộ nhân viên Đông Á thì mọi khó khăn chỉ là tạm thời. Giờ chỉ cần chúng tôi có một chiến lược đúng đắn thì sẽ sớm đưa ngân hàng thoát khỏi khó khăn và đi vào phát triển ổn định như thời hoàng kim năm nào.

tan-ceo-donga-bank-toi-khong-cam-thay-ap-luc

Ông Nguyễn Thanh Tùng – tân CEO Ngân hàng Đông Á tin tưởng sẽ sớm đưa nhà băng phục hồi.

Một người từ ngân hàng khối quốc doanh, vốn được xem là rất thận trọng trong công tác điều hành, giờ sang ngân hàng cổ phần thiên về tính năng động, liệu có khiến ông gặp trở ngại?

– Tôi cho rằng, đây là những nhận định lạc hậu vì người từ Ngân hàng Nhà nước hay là từ ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối thì đều được đào tạo bài bản về ngành này và được trui rèn qua nhiều năm lăn lộn trên thương trường.

Do đó, việc năng động hay không là do tố chất của mỗi người chứ không phân biệt là lĩnh vực nào, môi trường nào. Ngoài ra, theo cá nhân tôi khi đã là hoạt động trong ngành ngân hàng thì phải tuyệt đối không được mạo hiểm, mà cần tuân thủ mọi quy định pháp luật. Còn lại, giữa các lãnh đạo, hơn thua nhau là phương pháp vận dụng, điều hành như thế nào để được thị trường chấp nhận và tín nhiệm, cán bộ công nhân viên đồng lòng…

– Hiện tại, tình hình hoạt động huy động, cho vay, các hoạt động khác… của Ngân hàng Đông Á như thế nào, thưa ông?

– Ngân hàng Đông Á bị đặt vào kiểm soát đặc biệt từ 13/8/2015, và sau hơn 4 tháng, đến nay DongA Bank đã hoạt động trở lại gần như là bình thường, tức tất cả các nghiệp vụ từ huy động vốn đến cho vay đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa và không còn sự kiểm soát nào. Theo đó, mọi hoạt động liên quan đến tín dụng đều được triển khai bình thường như trước khi bị kiểm soát đặc biệt (chỉ trừ trường hợp cho vay không có tài sản đảm bảo).

Sự tin tưởng và ủng hộ từ phía khách hàng cũng đang gia tăng. Huy động từ chỗ liên tục sụt giảm trong các tháng 8, 9 và 10, giờ đã tăng trở lại. Theo đó, tháng 11 huy động vốn của Ngân hàng Đông Á tăng 100 tỷ đồng, tháng 12 tăng 150 tỷ đồng.

– Vậy vấn đề khó khăn nhất của DongA Bank hiện nay theo nhận định của ông là gì?

– Khó khăn nhất của ngân hàng hiện là chất lượng tín dụng kém, tức nợ xấu cao. Thứ hai là chịu sức ép về cạnh tranh gay gắt trên thị trường (cả ngân hàng nội lẫn ngoại).Trong đó, không chỉ chứng kiến cuộc đua về chất lượng dịch vụ mà còn bị áp lực bởi vấn đề lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay đòi hỏi phải giảm nhưng huy động thì vẫn tiếp tục tăng tại một số ngân hàng. Với điều kiện bình thường, DongA Bank đã khó, giờ lại đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt thì càng khó hơn gấp bội.

Thời điểm này, thanh khoản của ngân hàng khá ổn định, nhưng vì thận trọng về chất lượng tín dụng nên chúng tôi chưa thể mạnh dạn cho vay nhằm tăng dư nợ tín dụng ngay được.

Ngoài ra, công tác quản trị điều hành, quản trị rủi ro cũng cần phải thay đổi lại một cách triệt để nhằm đáp ứng với tình hình kinh doanh mới cũng như các quy định hiện hành. Chúng tôi luôn tâm niệm, không cho phép ngân hàng mắc phải bất cứ một sai lầm nào nữa để công tác vực dậy DongA Bank hiệu quả nhất, nhanh nhất.

– Thời gian qua, vai trò của Ngân hàng Nhà nước và của cá nhân ông Trần Phương Bình – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á như thế nào?

– Ngân hàng Nhà nước những tháng qua đã có những hỗ trợ rất kịp thời, tích cực và toàn diện cho DongA Bank hoạt động. Nhà quản lý đã hướng dẫn cho chúng tôi có hướng đi đúng đắn nhất và giúp phần tạo thêm niềm tin từ phía khách hàng.

Riêng về cá nhân ông Trần Phương Bình – cựu CEO DongA Bank, từ ngày bị đình chỉ chức vụ tới giờ, ông Bình rất tích cực trong việc phối hợp với ban lãnh đạo nhà băng xây dựng đề án tái cấu trúc lại Đông Á. Đồng thời, ông Bình cũng là trụ cột trong việc tìm kiếm đối tác nước ngoài tham gia làm cổ đông chiến lược. Chúng tôi, nhận thấy một sự tâm huyết rất lớn của ông Bình dành cho Ngân hàng Đông Á.

– Ông và ban lãnh đạo DongA Bank sẽ có những dự tính gì tiếp theo, và việc đàm phán bán cổ phần cho đối tác nước ngoài đã thực hiện tới đâu?

– Trong năm 2016, ngân hàng sẽ tích cực triển khai phương án củng cố và phục hồi DongA Bank. Hiện đề án chi tiết đã được Hội đồng quản trị trình lên Thống đốc và Chính phủ. Trong quá trình chờ phê duyệt thì ban lãnh đạo ngân hàng tiến hành song song các công việc cấp bách khác. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung xử lý nợ xấu, bởi hiệu quả của công tác này sẽ có vai trò rất lớn trong việc phục hồi Ngân hàng Đông Á. Chúng tôi rất lạc quan trước nhiệm vụ này, vì trong năm tới, ngân hàng dự kiến thu hồi được hơn 30% tổng nợ xấu.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào thế mạnh khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, công nghệ thẻ và kiều hối.

Bên cạnh yếu tố nội lực để phục hồi Đông Á, chúng tôi cũng cố gắng tận dụng một nguồn lực từ bên ngoài đó là tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện tại, ngân hàng đã lập ra một ban chuyên trách làm việc với những đối tác nước ngoài này. Trong đó, có một số đối tác quan tâm nhất định đến DongA Bank và có những động thái tìm hiểu bước đầu. Nhưng vì chưa có kết quả rõ ràng nên chưa thể công bố một cách chính thức ngay lúc này.

– Theo ông, khoảng bao lâu nữa thì Ngân hàng Đông Á sẽ thoát khỏi khó khăn và đi vào phát triển ổn định?

– Theo phương án mà Hội đồng quản trị đã xây dựng với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định (ngân hàng phát triển bằng nội lực và có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước) thì trong vòng 5-8 năm là DongA Bank sẽ phục hồi hoàn toàn. Trường hợp, có cổ đông chiến lược nước ngoài hỗ trợ thì thời gian phục hồi này sẽ sớm hơn và không quá 5 năm.

Lệ Chi

0913.756.339