Sức cuốn hút là một trong những thứ luôn khiến ta hứng thú và ngưỡng mộ. Nó là sự kết hợp giữa sự tự tin, duyên dáng, cái uy, khả năng ứng biến và ấn tượng bên ngoài. Sự duyên dáng thiên bẩm là thứ không thể xem thường.
Một số vị trí, như kế toán, là những người không có sức cuốn hút, dù họ thường giữ vị trí cao trong các tập đoàn lớn. Giám đốc ngân hàng cũng vậy, dù không thể phủ nhận là họ nắm nhiều quyền lực trong tay.
Sức quyến rũ không chỉ nằm ở quyền lực. Nó còn là tầm ảnh hưởng.
Henry Ford đi đầu cuộc cách mạng ôtô thế kỷ 20. Ảnh: Ford |
Henry Ford có thể được xem là ví dụ tiêu biểu về người có sức hút trong kinh doanh. Ford xuất thân từ nông thôn, không bao giờ tin tưởng vào ngân hàng, luôn tận dụng mọi cơ hội để tạo dựng dây chuyền sản xuất của riêng mình do không thuê được kỹ sư chuyên nghiệp.
Phải thuê những người nhập cư không biết tiếng Anh, ông đã chia công việc trong dây chuyền thành những thao tác đơn giản lặp đi lặp lại. Chỉ phải thực hiện những động tác đơn điệu, nhưng những người làm thuê vẫn có được mức lương khá.
Sản xuất hàng loạt và dây chuyền sản xuất theo phong cách Ford có tầm ảnh hưởng lớn tới nỗi nó nhanh chóng trở thành phương thức sản xuất không chỉ riêng với ngành ôtô, mà còn trong những ngành công nghiệp khác.
Sức cuốn hút trong kinh doanh thường đi liền với cuộc cách mạng công nghệ mà người có sức hút chính là người đi đầu cuộc cách mạng đó. Ở trường hợp này, Ford là một phần của cuộc cách mạng ôtô vĩ đại đầu thế kỷ 20.
Sức cuốn hút thường xuất hiện trong cách mà truyền thông Mỹ nói về các doanh nhân. Làm giàu nhanh mới chỉ là một nửa. Các doanh nhân còn phải “tuyệt vời”, và có lẽ phải nóng tính một chút nữa.
Jack Welch luôn có sức hút trong thời gian giữ chức Chủ tịch và cổ đông lớn nhất General Electric. Nhưng danh tiếng của ông đã lập tức sụt giảm sau khi từ chức. Tương tự với các chính trị gia, sự nghiệp của những người từng được coi là “đầy cuốn hút” thường kết thúc trong thất bại.
Steve Jobs được đánh giá là doanh nhân có sức thu hút. Ảnh: Reuters |
Một trường hợp ngoại lệ là Steve Jobs, CEO quá cố của Apple. Ông được đánh giá cao từ thành tựu cho đến cách hành xử. Jobs thành công rực rỡ trong việc kinh doanh máy tính cá nhân, trong ngành công nghiệp âm nhạc, phim hoạt hình và cả bán lẻ. Nhưng ông lại là người thiếu kiên nhẫn và hay cáu kỉnh. Lắm tài có lẽ ắt phải nhiều tật.
Nhưng người lãnh đạo liệu có cần sức quyến rũ hay không? Trong giới truyền thông, câu trả lời là có. Nó khiến những câu chuyện về họ trở nên thú vị, vì những người cuốn hút sẽ hành xử theo cách khác chúng ta.
Đi kèm theo sức cuốn hút và tầm ảnh hưởng lên người khác là sự tự tin cực đại. Chẳng hạn như một vài tỷ phú tin chắc rằng họ sẽ tìm ra cách để bất tử.
Tuy vậy, sức cuốn hút cũng có mặt trái, bởi nó tạo ra sự hào nhoáng nguy hiểm. Nó khiến người ta không còn thời gian và cũng không cảm thấy cần thiết phải nhìn nhận lại bản thân.
Sự tự tin, đối với diễn viên điện ảnh, là tốt. Nhưng trong giới kinh doanh, sự tự tin khiến các ông chủ không nhận ra rằng quan điểm của họ đôi khi là sai lầm và thiếu thực tế.
Những người có sức hút nhất thời thường đưa ra những ý tưởng mà ban đầu trông có vẻ hay ho, nhưng khi tình hình thay đổi, chúng sẽ không phát huy được tác dụng. Giới kinh doanh cũng chẳng ít lần chứng kiến những câu chuyện như vậy – khi những nhà lãnh đạo chỉ lên đỉnh vinh quang trong khoảnh khắc ngắn ngủi, và sau đó gục ngã, kéo theo cả công ty của mình.
Hà Tường (theo BBC)