Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, sàn TP HCM có 148 mã tăng giá, nhờ lực đẩy từ blue-chip, Vn-Index tăng hơn 9 điểm, tiến sát vùng 562 điểm, mua bán gần 120 triệu cổ phiếu, ứng với hơn 1.900 tỷ đồng. HOSE thỏa thuận 6,68 triệu chứng khoán, đạt 239,55 tỷ đồng, trong đó FPT đổi chủ khối lượng khá lớn ở giá trần, trị giá hơn 125 tỷ đồng.
Hôm nay cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bật xanh với MBB, EIB, CTG, BID, STB tăng 100-700 đồng. VCB tăng mạnh nhất rổ tài chính, cộng thêm 2.200 đồng một cổ phiếu. Mã này cùng với STB được nhà đầu tư nước ngoài gom lần lượt 660.000 – gần một triệu đơn vị. Nhiều blue-chip tiếp tục được khối ngoại quan tâm suốt tuần nay sau những phiên bán ròng khá mạnh tuần trước.
Cổ phiếu vốn hóa lớn giành thế thượng phong với BVH, VNM, GAS, VIC, MSN lần lượt tăng 700-1.500 đồng. Ở rổ VNN30, cổ phiếu HCM tăng 1.200 đồng và hầu như giữ vững sắc xanh suốt cả phiên. OGC nối dài chuỗi phiên giảm sàn, bù lại giao dịch khá sôi động với hơn 4,73 triệu cổ phiếu được sang tay. FLC dẫn đầu sàn về thanh khoản với hơn 14,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
Sàn Hà Nội rung lắc nhẹ trước giờ đóng cửa phiên chiều. SHB, ACB cùng giảm 100-200 đồng, nhiều mã dầu khí chuyển đỏ, trong khi BVS, PVS, PVX, VCG, VND… đi ngang.
Cuối ngày HNX-Index giảm 0,16 điểm, xuống 79,55 điểm, giao dịch hơn 57,7 triệu cổ phiếu, tương đương 644,48 tỷ đồng. SKLF dẫn đầu thanh khoản HNX, khớp gần 7,6 triệu đơn vị.
Vn-Index có tuần thăng hoa đầy bất ngờ. Ảnh: B.H |
Ngoại trừ nhịp độ tăng giảm của HNX-Index thiếu ổn định, Vn-Index đã có một tuần giao dịch đầy bất ngờ. Thị trường giảm mạnh khi mở hàng đầu tuần (dưới ngưỡng 530 điểm), chạy nước rút tăng điểm ngoạn mục giữa tuần rồi thăng hoa ở chặng cuối tuần, dừng ở sát vùng 562 điểm. Ngoại trừ hôm thứ Hai đầu tuần “đỏ lửa” được xem là phiên kiểm chứng và xác nhận nguồn cung trên thị trường đang ở mức rất rẻ, từ phiên ngày thứ ba trở đi, xu hướng giảm dần đều đã kết thúc.
Thứ Hai đầu tuần, chỉ số sàn TP HCM vẫn còn chìm dưới ngưỡng 530 điểm với tâm lý nhà đầu tư bi quan do ảnh hưởng đà giảm từ cuối tuần trước để lại. Đây là phiên Vn-Index xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/12/2014 đồng thời xác nhận nguồn cung trên thị trường đang ở mức rất rẻ.
Từ phiên giao dịch ngày thứ ba trở đi, xu hướng giảm dần đều đã kết thúc. Thị trường lần lượt bứt phá, vượt ngưỡng 530-540-550-560 điểm với mạch tăng mạnh và nhanh. Phiên tăng điểm mạnh nhất tuần này là hôm thứ Tư (ngày 20/5), đóng cửa Vn-Index tăng gần 13,3 điểm lên 550,1 điểm. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số sàn TP HCM từ ngày 9/1/2015.
Hầu hết các chuyên gia chứng khoán đều cho rằng sự trở lại của khối ngoại thông qua động thái tích cực gom hàng thường xuyên hơn chính là động lực giúp thị trường nối dài mạch tăng ngắn hạn. Phiên khối ngoại gom mạnh nhất tuần là ngày 20/5, khối ngoại mua ròng gần 100 tỷ đồng. Trong suốt tuần, VCB, STB, VIC, HPG, GAS, BID, KBC, SSI, PET, HSH… được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.
Chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Bản Việt, Nguyễn Thế Minh đánh giá xu hướng tăng điểm đang dần trở lại một cách đầy ấn tượng trong tuần này. Chỉ số sàn TP HCM liên tục gây bất ngờ cho nhà đầu tư trong 5 phiên trở lại đây, Vn-Index bứt phá khỏi vùng 560 điểm cùng với thanh khoản nhích dần lên cho thấy tâm lý thị trường đang cải thiện theo chiều hướng tích cực dần.
Ông Minh đánh giá khối ngoại vẫn cầm trịch là nguyên nhân chính của cú hích tuần này. Động thái chuyển hướng từ bán ròng sang mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài khá nhanh, tuy vẫn chưa ở mức cao nhưng đã kích thích dòng vốn quay trở lại thị trường nhiều hơn. 4 phiên gần đây hầu như số lượng cổ phiếu giao dịch qua HOSE luôn trên 100 triệu đơn vị, cao hơn hẳn so với tuần trước đó.
Nghị định 58 (nới room) và sửa đổi 2 nội dung của thông tư 36 bắt đầu được phản ánh vào giá. Hơn nữa, thêm thông tin Thông tư 200 được Bộ Tài Chính lùi thời hạn áp dụng đã tạo hiệu ứng kéo cho thị trường, giúp tâm lý nhà đầu tư được cởi mở nhiều hơn.
Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán Kim Eng, Phan Dũng Khánh nhận xét, xu hướng tăng trở lại với nhịp điệu dồn dập có thể sẽ bị khựng lại trong tuần sau. Tuy nhiên, sự điều chỉnh của tuần tới chỉ là bước đệm rất nhẹ cho giai đoạn lạc quan hơn. “Tôi tin thị trường vẫn có thể tiếp tục bứt phá vì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn khá tốt trong khi thị giá cổ phiếu hiện nay vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thị giá của vùng 560 điểm cách đây một vài năm”, ông nói.
Ông Khánh lấy ví dụ điển hình, nếu so với Vn-Index ở cùng một vùng 560 điểm của năm ngoái, HAG, ITA, KBC… được giao dịch với giá cao hơn hiện nay. Nếu cổ phiếu ở mức siêu rẻ trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ổn định thì đà tăng của Vn-Index nhiều khả năng vẫn tiếp tục.
Ông giải thích, nhà đầu tư trong nước vẫn hoài nghi khi thị trường quay đầu đi lên nhưng khối ngoại đã đi trước một bước. Họ lạc quan trở lại với động thái mua ròng và gom hàng đều đặn hơn. Xu hướng giảm đã kéo dài trước đó, phiên chao đảo đầu tuần (18/5) càng khiến cho nhiều người bán đổ bán tháo để bỏ chạy khỏi con tàu đắm. Tuy nhiên, từ ngưỡng 528 điểm, thị trường quay đầu tiến lên, hồi sinh trong sự ảm đạm để bứt phá khỏi vùng 560 điểm cuối tuần này.
Chuyên gia chứng khoán Kim Eng nhắc lại “câu thần chú” của giới đầu tư chứng khoán để kết luận cho tuần giao dịch đầy cảm xúc này là: “Thị trường chứng khoán lớn lên trong sự hoài nghi, phát triển trong sự lạc quan và hồi sinh trong sự ảm đạm”.
Giám đốc phân tích Quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF), Nguyễn Việt Đức có cái nhìn thận trọng hơn so với hai chuyên gia trên. Theo ông Đức, vùng hỗ trợ Vn-Index ở 528-530 điểm cũng như ngưỡng kháng cự Vn-Index ở 560 điểm đã được kiểm tra nhiều lần và có xu hướng lặp đi lặp lại như một điệp khúc. Do đó, khi chỉ số sàn TP HCM tiến sát mốc 562 điểm là giai đoạn nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ trước khi mua vào, bởi lẽ, biên độ tăng không còn lớn.
Ông Đức đánh giá, chứng khoán hiện nay đã bước vào giai đoạn khó nắm bắt hơn so với cách đây hai, ba năm vì kênh đầu tư này bị tác động bởi nhiều biến số phức tạp. Phản ứng của thị trường cũng khó lường hơn và chuyển biến cũng nhanh hơn các dự báo. “Do đó, nhà đầu tư không nên lạc quan thái quá, chỉ nên mua vào ở vùng hỗ trợ (thấp) và tránh mạnh tay gom hàng ở ngưỡng kháng cự”, ông khuyến cáo.
Hà Thanh