Vụ cháy tại tầng hầm tòa nhà CT4A Xa La (Hà Đông) ngày 11/10 không phải là sự cố lần đầu với các dự án của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh). Trước đó, tòa CT5 và CT6 đã xảy ra cháy, nổ trạm biến áp. Trong tháng 9, chung cư HH4A Linh Đàm và CT5 Xa La cũng báo cháy khu kỹ thuật các tầng.
Thiệt hại lớn về tài sản và nguy cơ đe dọa tính mạng khiến người mua nhà tại các dự án này không khỏi lo âu, không ít trường hợp phải cân nhắc chuyển đổi chỗ ở.
Sống nhiều năm ở một quận trung tâm trong một căn hộ chỉ hơn 20m2, gia đình 3 thế hệ với 6 thành viên của anh Toàn quyết định chuyển tới chung cư tại khu đô thị Xa La cách đây 3 năm với mong muốn cuộc sống sinh hoạt được thoải mái hơn. Ngay khi mới chuyển về năm 2012, gia đình anh đã chứng kiến vụ nổ trạm biến áp nên hết sức lo ngại. Gần đây, một loạt tòa nhà hoặc các dự án khác của chủ đầu tư này cũng xảy ra sự cố tương tự.
Sau vụ cháy ở tòa nhà bên cạnh hôm 11/10, Toàn và gia đình đang tính đến phương án bán nhà để chuyển đổi, song căn hộ hiện tại vẫn đang thế chấp ngân hàng, rất khó chuyển nhượng. Hơn nữa, muốn bán nhanh thì phải đưa ra giá thấp hơn thị trường từ 1-2 triệu. Hiện các căn hộ tại đây được rao bán từ 16-18 triệu đồng một m2, tùy mức độ hoàn thiện nội thất.
“Sau các sự cố gần đây, tôi e việc rao bán cũng không dễ dàng. Người mua sẽ có lý do để ép giá”, anh Toàn nói.
Vụ cháy tại tòa chung cư CT4 Xa La cùng một loạt sự cố tương tự trước đó tại các dự án của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên khiến không ít người mua cũng như nhà đầu tư đang sở hữu căn hộ tại đây muốn bán căn hộ. Ảnh: Bá Đô |
Gia đình anh Thái đang thuê nhà ở Đống Đa và chờ chuyển về căn hộ mua tại dự án HH Linh Đàm vào cuối năm nay. Để mua được căn hộ, anh phải làm thủ tục vay ưu đãi theo gói 30.000 tỷ đồng. Hiện vợ chồng anh đã nộp cho chủ đầu tư hơn 900 triệu đồng, chưa kể khoản chênh gần 300 triệu đồng cho môi giới. Sau khi biết thông tin về vụ cháy tại Xa La, người thân ở quê đều gọi điện lên khuyên gia đình anh nên bánđể tìm mua chỗ khác, thậm chí phải thuê nhà thêm một thời gian nữa.
“Vợ chồng tôi đều đã thống nhất sẽ rao bán căn hộ. Tuy nhiên, do liên quan đến việc vay vốn ngân hàng nên việc sang tên trong hợp đồng mua bán rất phức tạp, chỉ có thể chuyển nhượng thông qua giấy viết tay. Mà làm như vậy thì chả có ai muốn mua cả, trừ khi bán lỗ”, anh Thái nói.
Với những nhà đầu tư, tâm trạng của họ hiện nay cũng hoang mang không kém. Anh Quý – một người buôn nhà chuyên nghiệp từng “ôm” rất nhiều căn hộ tại các dự án của chủ đầu tư này sau đó bán lại kiếm chênh. Kể từ năm 2012, khi doanh nghiệp này mở đầu cho làn sóng xây dựng căn hộ giá rẻ, với mức chỉ 10 triệu đồng một m2, anh Quý đã nhận thấy cơ hội kiếm lời từ việc đầu cơ vào phân khúc này. Vào thời điểm đó, căn hộ giá rẻ còn hiếm trên thị trường, anh Quý không khó để có được khoản chênh từ vài chục triệu đồng mỗi căn – một mức rất cao giữa lúc thị trường đóng băng.
Từ đó, nhà đầu tư này chỉ chuyên mua đi bán lại các căn hộ tại dự án của Mường Thanh, từ Đại Thanh đến VP5, VP6, rồi các tòa HH tại Linh Đàm…
“Các căn hộ có giá hợp túi tiền của nhiều người, diện tích nhỏ nên thanh khoản tốt. Chỉ một vài tháng là tôi thu được vốn về và lãi vài chục mỗi căn”, anh Quý cho hay. Hiện nhà đầu tư này còn 2 căn hộ tại dự án HH được anh mua từ khi chủ đầu tư mở bán lần đầu tiên từ giữa năm ngoái với giá gốc từ 15 triệu đồng một m2, chưa kể chênh hơn 100 triệu đồng. Anh đang hoàn thiện phần nội thất để bán. Tuy nhiên, gần đây các vụ cháy liên tiếp xảy ra tại các dự án của chủ đầu tư này khiến anh lo ngại việc rao bán căn hộ sẽ không thuận lợi.
“Có thể nhiều khách hàng sẽ đắn đo hơn khi quyết định mua ở đây. Do đó, tôi sẽ dừng làm nội thất, chờ phản ứng từ thị trường. Nếu thuận lợi, tôi sẽ đầu tư tiếp để bán, còn nếu không thì để đó cho thuê vì giờ đầu tư thêm tiền vào làm nội thất đẹp mà không bán được thì rất tiếc”, nhà đầu tư này cho hay.
Tên tuổi của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên gắn với các dự án nhà giá rẻ khi năm 2012 mở bán chung cư Đại Thanh với mức chỉ 10 triệu đồng một m2. Chủ doanh nghiệp là ông Lê Thanh Thản, người sở hữu Tập đoàn Mường Thanh, chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp này triển khai một loạt các dự án khác với mức giá gốc chỉ trên dưới 15 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, để mua một căn hộ, khách hàng thường phải chịu thêm giá chênh từ 2-5 triệu đồng mỗi m2, tùy từng căn.
Những người mua căn hộ của doanh nghiệp chủ yếu là gia đình trẻ, có thu nhập tầm trung. “Chúng tôi không phải vì tham rẻ, nhưng do khả năng tài chính của gia đình hiện nay chỉ có thể mua được căn hộ ở đây. Tuy nhiên, mua chung cư giá rẻ không có nghĩa là dám đánh đổi cả sự an toàn của bản thân và gia đình. Những lúc vợ chồng đi làm, nếu con cái ở nhà một mình, tôi sẽ phải lo ngay ngáy về sự an toàn của chúng”, chủ một căn hộ bày tỏ.
Trong khi đó, trao đổi về sự cố cháy tại CT4 Xa La, lãnh đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết, chủ đầu tư phớt lờ nhiều yêu cầu phòng cháy mặc dù dự án đã được đưa vào hoạt động từ nhiều năm. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư lại giải thích, đơn vị đang trong quá trình bổ sung, khắc phục yêu cầu của cơ quan phòng cháy thì xảy ra sự cố.
Liên quan đến các tòa chung cư khác do đơn vị này triển khai, trao đổi với VnExpress ngày 13/10, đại diện chủ đầu tư không khẳng định về việc đã đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, vị này cho biết, doanh nghiệp sẽ lập tức rà soát lại hệ thống phòng cháy tại các dự án đã đưa vào sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn nhất cho cư dân.
Ngọc Tuyên – Thành Tâm