Siêu thị tăng tốc trong cuộc đua tỷ USD

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại này lại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Riêng vùng nông thôn, ngoại thành chủ yếu là đại lý.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện tại, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

Như vậy, tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường vẫn còn lớn. Tuy nhiên, sân chơi này đang cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước không ngừng tham gia “đánh chiếm”. Điển hình nhất là VinMart (VinGroup), đơn vị chỉ mới bắt đầu được thị trường biết đến từ cuối 2014. Tuy nhiên, VinMart cho hay năm nay họ sẽ tiến hành tái cơ cấu lại 13 siêu thị hiện hữu của Ocean Mart trên cả nước, tổng diện tích hơn 40.000 m2. Trong 3 năm tới, công ty này lên kế hoạch sở hữu 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên khắp Việt Nam thông qua đầu tư mới hoặc M&A.

Hay một đơn vị khác là Emart, Tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc vừa công bố ra mắt, dự kiến mở trung tâm thương mại đầu tiên với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD tại quận Gò Vấp (TP HCM). Đồng thời, đơn vị này cũng đang lên kế hoạch cho trung tâm tiếp theo tại Tân Phú và nhiều đại siêu thị khác tại TP HCM.

Trước cuộc đua quyết liệt với sự gia tăng của nhiều nhân tố mới, các ông lớn bán lẻ cả nội lẫn ngoại hoạt động lâu năm tại Việt Nam đã lên kế hoạch tăng tốc.

Chia sẻ với VnExpress.net, ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam cho biết, dù mức tăng trưởng trong ngành bán lẻ của Việt Nam đang chậm lại nhưng công ty vẫn đẩy mạnh vốn để đầu tư hệ thống vì nhận thấy thị trường bán lẻ Việt còn nhiều tiềm năng, kênh bán lẻ trên toàn quốc vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt ở vùng nông thôn.

“Năm nay chúng tôi lên kế hoạch mở thêm 3 siêu thị ở Cần Thơ, Nha Trang và Gò Vấp. Dự kiến đến 2020 công ty sẽ sở hữu 60 trung tâm thương mại trên cả nước. Đây là hoạt động nhằm đưa Lotte trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam”, ông Hong Won Sik nói.

1.jpg

Không chỉ bán sản phẩm tại nội địa nhiều đại gia bán lẻ còn xuất hàng Việt qua thị trường ngoại. Ảnh: MH.

Ông Sik cũng cho biết, tập đoàn đang có kế hoạch mở những cửa hàng nhỏ theo kiểu cửa hàng tiện lợi để nâng cao thị phần cũng như doanh số. Ngoài ra, Lotte còn đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc. Năm ngoái, hãng này đã chọn ra 7 cửa hàng tại Hàn Quốc có doanh số trên 8 triệu USD để đưa hàng xuất khẩu Việt vào siêu thị và đạt doanh thu 250.000 USD. Năm nay, đơn vị kỳ vọng doanh số tăng 50% từ nhóm xuất khẩu này. “Đặc biệt, với việc mở rộng quy mô chúng tôi kỳ vọng doanh thu có thể lên tới tỷ USD trong thời gian tới”, ông Sik chia sẻ.

Kỳ vọng cao hơn Lotte, Saigon Co.op – đại gia bán lẻ lớn của Việt Nam cũng cho biết, năm nay đơn vị đặt mục tiêu doanh thu toàn hệ thống đạt mức 26.190 tỷ đồng (trên một tỷ USD). Cùng với đó, công ty mở thêm 6 siêu thị Co.opmart, một đại siêu thị Co.opExtra, 30 cửa hàng Co.op Food và một trung tâm thương mại Sense City.

Phó tổng giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhân cũng cho hay, ngoài việc đẩy mạnh thị trường trong nước, siêu thị tiếp tục gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Singapore, dự kiến đạt 25 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với 2014.

Tại big C, dù không tiết lộ doanh thu cụ thể, tuy nhiên, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc truyền thông của công ty này cho hay, để tăng doanh thu, Big C đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Pháp, Brazil, Columbia, Philippines… Mỗi năm, hệ thống xuất khẩu khoảng hơn 1.100 containers 20 feet với hơn 800 loại sản phẩm thuộc 3 lĩnh vực chính là vải sợi, thực phẩm và hàng bách hóa (đồ thủ công mỹ nghệ, nội, ngoại thất). Tính đến tháng 11/2014, Big C đã khai trương và khai thác 30 đại siêu thị – trung tâm thương mại trên 20 tỉnh thành. 

Bên cạnh các hệ thống siêu thị kỳ cựu đua nhau mở rộng hệ thống nhằm cán đích doanh thu tỷ USD, thì nhiều ông lớn cả trong lẫn ngoài nước dù mới chỉ manh nha kinh doanh trực tiếp vào bán lẻ chưa đầy 2 năm cũng không kém cạnh. Gần đây là Tập đoàn Central Group (Thái Lan) ngoài việc mở rộng 2 trung tâm thương mại lớn tại TP HCM và Hà Nội thì đơn vị này còn chi lượng tiền lớn để mua 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT – đơn vị sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim. Còn Aeon Mall, đại gia bán lẻ Nhật Bản chọn cách thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường khi mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Đối với Citimart, hãng này đã kết hợp và cho ra đời thương hiệu AeonCitimart.

Dự báo về thị trường, giám đốc bán lẻ của một doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam cho rằng, bán lẻ trong thời gian tới sẽ trở nên khốc liệt cả trong lẫn ngoài nước. Do vậy, đối với những doanh nghiệp mới vào thị trường nếu không có tiềm lực lớn thì rất khó cạnh tranh vì thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt khó thay đổi “một sớm một chiều”.

Ngược lại, các doanh nghiệp đang có thị phần lớn nếu không biết cải tổ, tái cơ cấu theo hướng tích cực và gia tăng thị phần ở những mảnh đất mới thì đây sẽ là thời cơ cho các doanh nghiệp mới nổi chiếm lĩnh. Sắp tới, xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp vẫn tiếp diễn với mức độ và tần suất cao. Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử trong ngành bán lẻ cũng sẽ là xu hướng mới trong các đơn vị kinh doanh.

Thi Hà

0913.756.339