Phát biểu tại Hội nghị nhằm phổ biến một số chính sách mới về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán sáng nay (1/4), ông Hoàng Nguyên Học – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết theo kế hoạch, năm nay công ty phải bán vốn tại hơn 300 doanh nghiệp, chỉ còn giữ lại khoảng 100 đơn vị đến cuối năm. “3 tháng đầu năm SCIC mới bán được 22 doanh nghiệp, có nghĩa từ nay tới cuối năm mỗi ngày phải bán một doanh nghiệp, nhiệm vụ rất lớn”, ông Học nói.
Trước áp lực này, lãnh đạo Tổng công ty kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có thêm các biện pháp để đẩy nhanh quá trình bán vốn. Cụ thể, với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, giá trị doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường thì cần cơ chế bán cổ phần dưới mệnh giá. “Có những doanh nghiệp mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng nhưng SCIC chỉ bán được với giá 500 đồng mỗi cổ phần”, vị này cho hay.
Hoạt động bán đấu giá cổ phần cần nhiều giải pháp hỗ trợ để phát triển mạnh trong năm 2015. |
Theo Quyết định 51, SCIC được quyền xem xét mua lại cổ phần của doanh nghiệp và phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tổ chức tín dụng, nhưng chỉ trong điều kiện các cổ phần này không bán được trên thị trường và Ngân hàng Nhà nước không thể tự xử lý. “Theo tinh thần đầu tư kinh doanh vốn, SCIC chỉ được xem xét mua lại khi khoản đầu tư hiệu quả và có lãi. Tuy nhiên, việc mua sau khi nhà đầu tư khác không mua là vướng mắc lớn”, đại diện SCIC chia sẻ.
Ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp (Bộ Giao thông vận tải) cũng đề xuất nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần trọn lô của các doanh nghiệp. Lấy ví dụ trường hợp Bệnh viện Giao thông vận tải, vị này cho biết ngay trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp Bộ đã mời nhà đầu tư chiến lược tham gia để họ mang tâm huyết cùng xây dựng phương án cổ phần hóa thành công. “Quan điểm của chúng tôi là với các doanh nghiệp này chỉ có nhà đầu tư chiến lược mới có động lực thúc đẩy doanh nghiệp đi lên. Do đó, phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp”, ông Minh phát biểu.
Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư chiến lược, cơ chế bán trọn lô cổ phần cần được xem xét, bởi nhà đầu tư lớn thường muốn nắm đa số để có tiếng nói trong doanh nghiệp. “Trong quá trình bán vốn, SCIC nhận thấy nhiều nhà đầu tư quan tâm thì họ muốn mua cả lô, trong trường hợp này họ sẽ trả giá cao, kể cả công ty niêm yết.”, ông Học lý giải.
Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng nhận định sẽ có những nghiên cứu pháp lý để triển khai cơ chế bán trọn lô nhằm thu hút đối tác chiến lược, mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2015, việc đấu giá cổ phần sẽ diễn ra rất sôi động khi chỉ riêng quý I, Sở đã tổ chức 30 phiên đấu giá, bằng một nửa năm 2014. Tuy vậy, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa niêm yết trên UPCoM, Sở cũng kiến nghị có những cơ chế riêng để tăng thanh khoản cho thị trường này, như mở rộng biên độ giao động giá lên 20%, xây dựng các chỉ số ngành, khu vực thị trường để các nhà đầu tư được tiếp cận nhanh chóng hơn các thông tin.
Phương Linh