Sàn giao dịch hàng hóa ‘chui’ hút nhà đầu tư

Giao dịch chứng khoán ảm đạm, vàng trầm lắng, bất động sản chưa mấy sáng sủa… nên anh Thanh ở quận 6, TP HCM rất quan tâm đến mảng đầu tư hàng hóa. Song, do độ phổ cập của các sàn trong nước còn hạn chế (chỉ dành cho doanh nghiệp, người trồng và kinh doanh cà phê) nên anh chỉ dừng lại ở mức độ thăm dò.

Sau đó, anh và một số người bạn có chung đam mê đầu tư qua sàn đã quyết định tìm và chơi trực tiếp trên các sàn hàng hoá thế giới như Nybot của Mỹ, Liffe của Anh…. “Mặc dù biết đây là việc mà luật pháp chưa cho phép nhưng do được sử dụng đòn bẩy cao, lại yêu thích đầu tư lướt sóng và mê việc nghiên cứu biểu đồ giá nên tôi vẫn tham gia”, anh Thanh chia sẻ.

mtb-306778789-1367850090-500x0-8466-1426

Phần mềm giao dịch trực tuyến Meta trader 4.

Theo anh, để đầu tư trên những sàn quốc tế, đầu tiên cá nhân phải có thẻ tín dụng đóng tiền ký quỹ hoặc chứng minh có tài khoản ngân hàng (nằm trong cơ chế phòng chống rửa tiền của các sàn). Sau đó, nộp chứng minh thư hoặc passport thì sẽ được mở một tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ (phí chuyển đổi ngoại tệ tuỳ ngân hàng, dao động 2-4%).

Khi chơi trên sàn quốc tế, gần như nhà đầu tư cá nhân không phải tốn phí (giống như cơ chế khớp lệnh của chứng khoán), và chỉ có chênh lệch giữa giá mua và bán. “Chơi trực tiếp trên sàn quốc tế phải có kiến thức và kinh nghiệm thì mới có khả năng thắng, còn không sẽ bị trắng tay chỉ sau vài lần chơi”, anh Thanh nói

Một số khác đã tìm đến các “sàn chui” ở Việt Nam để chơi trực tuyến tương tự như cách chơi với vàng. Theo đó, muốn tham gia, nhà đầu tư gặp nhân viên môi giới để được hướng dẫn và ký kết hợp đồng giao dịch dưới dạng hợp đồng giao dịch hàng hóa. Tiếp theo khách hàng sẽ được cài đặt phần mềm giao dịch, chủ yếu là Meta trader 4 (MT4) và nộp tiền ký quỹ vào tài khoản.

Trên phần mềm này sẽ có công cụ theo dõi giá cả cập nhật liên tục của các loại hàng hoá như dầu thô, cà phê, sắt thép…, đồng thời có các mũi tên lên xuống thể hiện xu thế tăng giảm để người chơi đưa ra quyết định mua bán. Khi thị trường đang tăng lên, nếu mua giá thấp và bán giá cao sẽ có lời. Ngược lại, khi thị trường đi xuống, người đầu tư cũng có thể kiếm lời bằng cách bán trước, mua lại để trả sau (bán khống).

Tuỳ theo sàn, có nơi cho ký quỹ tối thiểu 500 USD, 1.000 USD hoặc thậm chí 5.000 USD… Tỷ lệ đòn bẩy cũng rất lớn 1:100, có khi lên tới 1:1000. Chẳng hạn nộp tiền ký quỹ 500 USD sẽ được giao dịch với quy mô 50.000 USD hoặc 500.000 USD. Với sản phẩm cà phê robusta (tính theo USD/tấn) thông thường một lot sẽ là 10 tấn, bước nhảy khoảng 1 USD. Còn đối với cà phê arabica, nếu tính theo cent/pound thì mỗi lot khoảng 17,5 tấn, bước nhảy 0,05 cent, phí môi giới tuỳ sàn.

Theo lời một nhân viên môi giới nhiều năm trong ngành, so với chơi vàng và các cặp tỷ giá thì hàng hoá không sôi động bằng. Tuy nhiên, gần đây, số lượng người tham gia cũng có xu hướng tăng nhanh nhưng chỉ một phần nhỏ số người chơi trên các sàn tài khoản trong nước là có lãi, còn lại đều thua. Bởi việc dùng đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, nhất là với hàng hoá thì đòi hỏi phải có sự am hiểu nhất định về mặt hàng mình tham gia.

Trong số những người thắng đó đôi khi cũng không nhận được tiền lời vì bị chủ sàn chui dùng các biện pháp kỹ thuật để can thiệp vào giao dịch, thậm chí xóa sạch lịch sử giao dịch gây thiệt hại cho người chơi. “Tranh chấp giữa chủ sàn và nhà đầu tư xảy ra, đôi khi không giải quyết được bằng thỏa thuận đã dùng đến luật giang hồ để nói chuyện với nhau”, anh cho biết.

Một lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn tham gia đầu tư hàng hoá qua mạng, nhưng những hình thức này là bất hợp pháp, do vậy, họ sẽ phải chịu rủi ro rất lớn. Kể cả khi vụ việc vỡ lở, nhà đầu tư cũng không có căn cứ pháp lý để tìm sự can thiệp từ cơ quan pháp luật.

Hiện nay, Việt Nam chính thức có ba sàn giao dịch hàng hoá được cấp phép là sàn VNX, sàn INFO và Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột, chỉ cho doanh nghiệp, người trồng và kinh doanh cà phê tham gia và cũng chưa có sàn nào liên thông với thế giới.

Trong bối cảnh lạm phát lan rộng hiện nay, không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư trên khắp thế giới cũng đang quan tâm nhiều hơn đến các giao dịch hàng hoá, nhất là cà phê.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, đầu tư vào hàng hóa luôn được nhà đầu tư cá nhân trên thế giới lựa chọn bên cạnh những kênh đầu tư khác. Hơn nữa, trong tình trạng kinh tế vĩ mô còn khó khăn thì đầu tư vào các loại hàng hóa cơ bản được xem là an toàn nhất.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cho biết, cà phê là mặt hàng buôn bán lớn thứ hai thế giới sau dầu thô, nhưng mua bán vật chất chỉ 2%, còn lại 98% là mua bán tài khoản trên giấy tờ (cho thấy nhu cầu đầu tư tài khoản là rất lớn).

Theo ông Tự, hiện nay sàn hàng hoá Chicago là sàn lớn nhất trên thế giới, Việt Nam lại đang chiếm 19,8% lượng cà phê toàn cầu. Ông kỳ vọng khi có các sàn hàng hoá liên thông với thế giới ra đời (cho phép cả nhu cầu mua bán lẫn đầu tư) sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo ra một sân chơi toàn cầu. “Nếu các sàn của Việt Nam kết nối được với các sàn trên thế giới thì lượng hàng mua bán không chỉ là 1,6 tỷ USD như hiện nay mà sẽ tăng lên gấp nhiều lần thông qua giao dịch giấy tờ”, ông nhận định.

Hàng hoá được xem là kênh đầu tư tốt và được nhiều người lựa chọn. Thực tế, tại Việt Nam thời gian qua dù bị cấm nhưng một số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn tham gia trên các sàn thế giới. “Thay vì để các giao dịch diễn ra ngoài luồng khiến một lượng ngoại tệ lớn bị chảy ra nước ngoài, Nhà nước nên đưa vào khuôn khổ vừa thu được thuế, lại quản lý được nguồn ngoại tệ và tạo ra kênh đầu tư tốt cho người dân”, một chuyên gia phân tích.

Lệ Chi

0913.756.339