Rau xanh giảm giá nhanh, thủy sản đắt đỏ sau Tết

Chỉ vào quầy rau củ gần như còn đầy nguyên, dù đã quá trưa, chị Thúy – một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân than thở vì gần như chắc chắn sẽ ế hàng hôm nay. Từ sáng sớm, do lấy được mối giá rẻ từ chợ đầu mối, chị Thúy mạnh dạn lấy nhiều hàng, song lượng bán thực tế tăng không đáng kể. “Hôm qua bán cả ngày được hơn một triệu tiền hàng, hôm này bán nhiều hơn chút nhưng lãi có thể không bằng”, chị Thúy nói.

Tại cửa hàng của chị, hầu hết các loại rau đều có giá rẻ trong Tết. Rau muống bán 5.000-7.000 đồng một mớ, thay vì trên 10.000 đồng như hôm Mùng 3 Tết. Cải các loại như cải chip, cải ngồng, cải ngọt giá 25.000 đồng một kg. Cải cúc chị Thúy nhập với giá 3.000 đồng một mớ, bán cho khách lẻ giá 4.000 đồng. Theo chị, giá này rẻ hơn vài nghìn so với cao điểm Tết. 

rau-cu.jpg

Đến trưa, không ít quầy rau xanh hầu như còn nguyên lượng hàng mà họ nhập từ sáng sớm.

Chung cảnh ế hàng như chợ Nghĩa Tân, tiểu thương chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết từ hôm chợ họp sau Tết đến nay, ngày nào cũng vắng khách. Đến 10h sáng, nhiều quầy hàng rau và đồ khô vẫn còn đóng cửa, khách mua cũng thưa thớt.

Tạm nghỉ giữa bài tập thể dục tại chỗ khi vắng khách, chị Thái – chủ sạp hàng chia sẻ: “Sau Tết, ai cũng sợ mua phải giá cao nên hễ có khách tôi đều cam đoan không tăng… mà tình hình vẫn èo uột lắm”.

Theo một số tiểu thương, năm nay nguồn hàng đầu năm khá ổn định. Giá cả hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều rất rẻ, song nhu cầu mua sắm lại không cao. “Không hiểu sao, kể cả trước và sau Tết, khách đều dè dặt hơn mọi năm. Nhàn rỗi quá nên mọi người lại có thời gian tập thể dục giữa buổi”, một tiểu thương gần đó bày tỏ.

Không chỉ ở thị trường Hà Nội, những người bán rau ở TP HCM cũng đang than vắng khách. Thông thường mọi năm, sau dịp Tết nhiều thịt mỡ dưa hành, người dân sẽ mua nhiều rau ăn “chống ngán”. Nhưng năm nay, sức mua khá yếu, trong khi đó nguồn cung dồi dào. Chị Hằng, tiểu thương chợ Văn Thánh cho biết bán rau thời gian gần đây lãi rất thấp, lượng hàng nhiều mà sức mua èo uột, nhiều hôm hòa vốn chứ chẳng có lời.

Tại gian hàng của chị, nhiều loại rau xanh còn giảm giá so với trong Tết. Cà chua giảm 2.000 đồng, chỉ còn 8.000 đồng một kg. Mướp đắng rẻ thêm 5.000 đồng, xuống 10.000 đồng một kg. Cà rốt, khoai tây đứng yên quanh mức 20.000 đến 25.000 đồng một kg. Nếu năm ngoái rau xà lách tăng tới 40.000 đồng một kg thì năm loại loại này không biến động về giá, chỉ dao động quanh mức 25.000-30.000 đồng một kg.

Thịt các loại giá đã trở về ngang bằng với thời điểm thông thường tại các địa phương, nhất là thịt bò. Hôm Mùng 4 Tết, có chợ ở Hà Nội bán thịt bò giá 350.000 đồng. Đến hôm nay, thịt bò tại chợ Nghĩa Tân còn 280.000 đồng. Giá ở chợ Thành Công là 240.000 đến 250.000 đồng.

Nhiều khách hàng đi chợ sau Tết lăn tăn về giá cả, sợ đắt đỏ như mọi năm. Do đó, chị Kiều Thị Hoa, một người bán thịt ở chợ Thành Công đã treo hẳn bảng giá tại quầy. “Nhiều người dân đi chợ cứ hỏi xem giá cao hơn trước Tết hay không nên mình cứ công khai cho họ biết”, chị nói.

Tại đây, thịt lợn đang được bán với giá 80.000-100.000 đồng một kg tùy loại. Gà hơi (chưa làm lông) giá 130.000 đồng một kg, hầu như không thay đổi từ trước Tết đến nay.

Ngược lại với rau xanh và thịt, một số loại thủy hải sản có dấu hiệu tăng giá ở cả hai miền Bắc Nam. Tại chợ Thành Công, giá tôm sú tăng lên 470.000 đồng một kg loại cỡ vừa, trong khi những ngày sau Tết chỉ 420.000 đến 450.000 đồng.

Ở khu vực chợ Văn Thánh, Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP HCM), giá cá lóc tăng 30.000 đồng lên 100.000 đồng một kg. Cá hú đắt thêm 20.000 đồng lên 90.000 đồng. Cá thác lác cận Tết 230.000 đồng một kg nay tăng vọt lên 280.000 đồng. Cá điêu hồng đắt thêm 5.000 đồng lên 60.000 đồng một kg. Một số loại mực cũng tăng giá quanh mức 20.000-30.000 đồng một kg. Ếch đắt thêm 20.000 đồng lên 90.000 đồng một kg.

Giá tăng cao ngay từ chợ đầu mối. Ví dụ, cá thu bình thường 160.000 đồng, nay lên 200.000 đồng một kg. Mực ống lên 200.000 đồng, tăng 70.000 đồng so với thông thường. Nhu cầu ốc tăng cao dịp này cũng khiến giá tăng cao, nhất là khi nguồn cung không mấy dồi dào nên tăng giá mạnh, mức tăng 40.000-130.000 đồng một kg.

Theo lý giải của tiểu thương ở các chợ tại TP HCM, nguyên nhân khiến thủy hải sản tăng giá là do lượng cung khan hiếm, một số tàu bè ở các vùng ven biển chưa đi đánh bắt lại trong khi đó nhu cầu sau Tết lại tăng cao nên khiến lượng hàng thiếu hụt.

“Thông thường ra Tết, lượng thủy hải sản nhập về rất ít, lượng cung ra thị trường không đủ. Mặt khác, Tết nhiều hộ gia đình đã ngán với thịt gia súc giá cầm nên chuyển sang lực chọn thủy hải sản nhiều hơn cho nên nhu cầu tăng cao khiến giá đội lên so với trong Tết, vì ít hàng nên lượng hàng tiêu thụ nhanh, tuy nhiên vì nhập với giá cao nên lãi không đáng kể”, chị Hoa, chợ Thị Nghè cho biết.

Trao đổi với VnExpress, đại diện chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) cũng cho biết, hiện nay lượng thủy hải sản về chợ cũng giảm mạnh so với thời điểm trước Tết, đặc biệt là các loại cá biển như cá lục, cá thu, mực, ốc… cho nên giá các sản phẩm này tăng so với thời điểm trước đó từ 10-15%, riêng đối với mặt hàng ốc tăng mạnh có loại tăng thêm tới 130.000 đồng.

“Thông thường lượng hàng về chợ khoảng 2.500 tấn nhưng thời điểm sau Tết chỉ chiếm khoảng 1/2, thậm chí là 1/3 so với ngày thường. Có hôm, lượng hàng về chỉ gần 1.000 tấn”, đại diện trên cho biết.

Vị này cũng cho hay, mặc dù lượng hàng khan hiếm, tuy nhiên, theo giới kinh doanh mức tiêu thụ trên thị trường chưa có dấu hiệu tăng cao nên mức sinh lời không cao.

Nhóm phóng viên

0913.756.339