Kết quả này được ghi nhận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Bình 2015, do UBND tỉnh và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức. Sự kiện có sự tham dự của 70 doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan và Lào…
Tại hội nghị, tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 9 dự án với tổng mức đầu tư 876 tỷ đồng, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư 10 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 9.972 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV cũng ký thỏa thuận nguyên tắc thu xếp vốn cho 4 dự án của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Trường Thịnh và Tập đoàn FLC, có tổng mức đầu tư 10.900 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn được nhà đầu tư cam kết cho Quảng Bình trong dịp này đạt khoảng một tỷ USD.
Trong số những dự án nêu trên, riêng quần thể 10 sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của FLC có vốn đăng ký 8.500 tỷ đồng. Tổ hợp này dự kiến sử dụng 1.000 ha đất, mà theo lãnh đạo doanh nghiệp, chủ yếu là hoang mạc, đồi cát trọc.
Để thực hiện được công trình này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho biết địa phương cùng chủ đầu tư đang trình Chính phủ bổ sung hệ thống sân golf vào quy hoạch đến 2020. “Sau khi có sự chấp thuận về chủ trương, nhà đầu tư và tỉnh sẽ tiến hành các bước đầu tư theo quy định”, ông Hoài nói.
Quảng Bình được đánh giá là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển, nhất là du lịch. Bên cạnh đường bờ biển dài nhất Việt Nam với 116 km, điểm nhấn mới của địa phương là hang Sơn Đoòng. Năm 2014, Quảng Bình đón 2,8 triệu khách du lịch, tăng mạnh so với con số 350.000 năm 2010.
Hoàng Táo