Phó tổng giám đốc Vietcombank làm Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng

Tại TP HCM sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển đổi Ngân hàng cổ phần Xây dựng sang mô hình mới, ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ tham gia quản trị ngân hàng này, cùng với việc cắt cử cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành. Trong đó, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuân sẽ giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng, và thôi nhiệm các chức vụ tại Vietcombank theo quy định, để tập trung cho cương vị mới. 2 lãnh đạo khác của Vietcombank TP HCM sẽ giữ chức Phó tổng giám đốc tại đây. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng bầu một loạt cán bộ vào các vị trí ban kiểm soát.

Tổng giám đốc VNCB, ông Đàm Minh Đức vẫn tại nhiệm.

Ong-Nguyen-Van-Tuan-7568-1425524553.jpg

Ông Nguyễn Văn Tuân là Phó tổng giám đốc phụ trách mảng ngân hàng bán lẻ, được Vietcombank điều động sang giúp ổn định tình hình VNCB khi cựu lãnh đạo của ngân hàng này bị bắt. 

Chia sẻ tại buổi lễ, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho rằng Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng nhằm thể hiện trách nhiệm với người gửi tiền. Khi đó, các chủ kinh doanh của ngân hàng đã mất vốn hết và không thể bổ sung, khiến nhà băng không thể tự hoạt động. Ông Thanh cũng cũng khẳng định đây không phải hình thức quốc hữu hóa.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Vietcombank – Nghiêm Xuân Thành, đơn vị này tham gia vào quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ về con người, công nghệ và một phần nguồn vốn… Cách đây 2 ngày, Vietcombank cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước đề án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng và được đánh giá cao. Đề án này cũng sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt.

VNCB tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank) có 23 năm hoạt động. Khi tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Tháng 7/2014, hai lãnh đạo cao nhất của VNCB là nguyên Chủ tịch Phạm Công Danh và nguyên Tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt.

VNCB-2540-1425540061.jpg

Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh (thứ ba từ phải qua) cùng Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành (thứ hai từ trái qua) trao quyết định bổ nhiệm cho lãnh đạo VNCB.

Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 31/1/2015 của VNCB đã không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định nên Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của nhà băng này với giá 0 đồng.Sau sự cố này, Vietcombank ký kết hợp tác chiến lược để hỗ trợ VNCB về thanh khoản, phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nguồn vốn, kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin… Ngân hàng cũng bầu bổ sung lãnh đạo mới, bà Vũ Bạch Yến làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Đàm Minh Đức làm Tổng giám đốc.

Sau thương vụ, Ngân hàng Nhà nước trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thay Ngân hàng Nhà nước tham gia quản trị, điều hành VNCB.

Lệ Chi

0913.756.339