Ngày thứ Hai đầu tuần, chẳng còn hàng dài người đứng ngoài cửa hàng của Abercrombie & Fitch như thường lệ. Gần đó, hàng chục gian hàng trong khu chợ Giáng sinh vẫn đóng cửa im lìm theo lệnh của giới chức. Các tiểu thương cũng chẳng biết đến khi nào mới được bán bia rượu, xúc xích hay quần áo và đồ trang trí cho khách hàng.
Kỳ mua sắm cho dịp nghỉ lễ có vẻ chẳng là gì so với hơn một trăm người thiệt mạng, New York Times nhận xét. Nhưng hoạt động sắp tới tại phố mua sắm nổi tiếng nhất Paris này có thể chỉ ra liệu vụ tấn công có tác động xấu đến thương mại của thành phố và nỗ lực phục hồi kinh tế bền vững của Pháp hay không.
Một góc quán vắng vẻ của Paris. Ảnh: Reuters. |
Các lãnh đạo châu Âu đều bày tỏ lo ngại ảnh hưởng kinh tế của vụ khủng bố lần này, nếu nỗi sợ khiến người dân ngại ra đường hay tụ tập trong kỳ nghỉ lễ. Eurozone đã rất khó khăn về kinh tế rồi, với nhiều năm tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Nhưng các nhà kinh tế học cho biết, tác động của khủng bố lên kinh tế khá nhỏ và chỉ là tạm thời, như trong các vụ tấn công London năm 2005, Madrid năm 2004 và cả New York năm 2001. “Có lẽ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Pháp thôi. Có thể trong vài tuần đầu tiên, khi ra đường mua sắm, anh thấy người ta còn ngần ngại. Nhưng rồi sau đó, mọi việc sẽ sớm trở lại bình thường”, Philippe Waechter – nhà nghiên cứu tại Natixis Asset Management cho biết.
Tuy nhiên, vì đây cũng là đầu mùa du lịch hàng năm tại Paris và châu Âu, tác động từ việc này sẽ còn phụ thuộc vào khách du lịch, chứ không chỉ riêng người dân địa phương. “Nếu mọi người không đến đây nữa, nếu khách du lịch quá sợ hãi, ảnh hưởng lên kinh tế sẽ là rất lớn đấy. Lúc này, tôi chỉ hy vọng hoàn vốn thôi, không dám nghĩ có lãi”, Mauricette – chủ một cửa hàng tại Paris cho biết.
Trong ngắn hạn, vụ khủng bố tại Paris sẽ khiến tiêu dùng tại đây chững lại, đóng băng phần lớn hoạt động mua sắm cuối tuần. Disneyland Paris vẫn đóng cửa và sẽ không mở lại cho đến thứ Tư. Bảo tàng Louvre và tháp Eiffel cũng mới mở lại chiều qua, sau 2 ngày đóng cửa vì lý do an ninh.
Tại Đại lộ Champs-Élysées, một khu chợ phục vụ Giáng sinh vẫn bị đóng cửa. Ảnh: Reuters |
Dù chứng khoán châu Âu hôm qua giảm điểm khi mở cửa, giá đã tăng trở lại về cuối phiên. Ảnh hưởng chỉ rơi vào các công ty du lịch và hàng không. Cổ phiếu hãng bay Air France-KLM mất gần 6%, trong khi AccorHotel giảm hơn 5%.
Lãnh đạo các khách sạn hạng sang và nhà hàng tại Pháp cho biết đã có làn sóng hủy đặt chỗ. Ủy ban Du lịch Paris cũng đã lên kế hoạch họp vào thứ Tư này để đánh giá các tác động kinh tế. Cuộc họp sẽ có đại diện các bảo tàng, khách sạn, công viên và trung tâm thương mại. Lo lắng về lượng khách hàng giảm sút, công đoàn một số khách sạn và nhà hàng còn mở chiến dịch có tên “Tous au Bistrot!” (Đến quán bar) để kêu gọi người dân ủng hộ các cửa hàng địa phương.
Du lịch đóng góp 8% kinh tế Pháp. Nếu sự sợ hãi khiến khách quốc tế không tới đây nữa và các hộ gia đình ngại chi tiêu, những lĩnh vực này và hàng chục nghìn lao động ngành này sẽ phải chịu hậu quả.
Hôm qua, số liệu của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy lạm phát tháng 10 tại eurozone chỉ là 0,1% – tín hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn rất yếu. GDP khu vực này quý III vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2007 và chỉ tăng 1,2%.
Giới phân tích cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải tung thêm kích thích trong phiên họp tháng tới. Và khả năng này ngày càng tăng sau vụ khủng bố Paris.
Người ta khó có thể kỳ vọng Tổng thống Pháp François Hollande làm theo Tổng thống Mỹ George W. Bush sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Khi ấy, ông Bush đã kêu gọi người Mỹ “Hãy đi mua sắm nhiều hơn nữa”. Tuy nhiên, Waechter cho rằng người Paris, vốn đã sống trong rủi ro bị khủng bố suốt từ thập niên 80, cũng sẽ mạnh mẽ như người New York.
Không như những lần trước, vụ tấn công lần này xảy ra tại nhiều địa điểm khác nhau, như sân vận động, buổi hòa nhạc và quán café. Yếu tố này có thể khiến ảnh hưởng lên tâm lý người dùng trở nên khó đoán trong ngắn hạn, cả ở Pháp lẫn châu Âu.
Một chỉ báo đáng tin cậy là thị trường mua sắm ngoài trời dịp Giáng sinh. Các khu chợ tại những thành phố Đức như Nuremberg và Dresden đều thu hút lượng khách lớn. Những nơi này cũng là địa điểm thường xuyên bị khủng bố đe dọa. Ông Werner Hammerschmidt – Giám đốc một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp bán thực phẩm và quà tặng tại chợ Giáng sinh cho biết: “Người ta bị đe dọa nhiều năm rồi. Mọi người đã chứng minh rằng họ không để cuộc sống của mình bị ảnh hưởng vì khủng bố đâu”.
Hà Thu