Phí thẻ ATM không nhiều

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện các văn bản pháp luật cho phép các nhà băng được tự chủ trong việc xác lập mức phí cung ứng dịch vụ trong điều kiện hoạt động bình thường. Biểu phí dịch vụ thẻ mà các ngân hàng Việt Nam đang áp dụng phù hợp thông lệ về phí dịch vụ thẻ mà các ngân hàng trên thế giới và trong khu vực vận dụng. 

phi-the-atm-khong-nhieu

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hiện chủ thẻ chỉ phải trả 3-4 loại phí cơ bản. Ảnh: PV

Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 35 nhằm tăng cường trách nhiệm của các nhà băng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, trong đó quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM. Ví dụ, tiêu chuẩn kỹ thuật  đối với ATM như: phải được trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ… cũng như trách nhiệm của ngân hàng về bố trí lực lượng để khắc phục sự cố, thời hạn cụ thể để thực hiện tiếp quỹ khi máy hết tiền… 

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mới có 11 trong tổng số 46 nhà băng đang áp dụng thu phí giao dịch rút tiền ATM nội mạng. Sau khi có quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, các ngân hàng đều đã tuân thủ quy định về công bố, cập nhật thông tin về biểu phí, mức, loại phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa trên trang thông tin điện tử, tại quầy giao dịch hay qua các kênh thông tin liên lạc khác. Mức phí giao dịch ATM, phí thường niên, phí phát hành… mà các ngân hàng đang áp dụng đều tuân thủ theo biểu khung phí quy định tại Thông tư 35. 

“Trong môi trường cạnh tranh cao như hiện nay với gần 50 ngân hàng hoạt động phát hành, thanh toán thẻ, ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ thẻ thấp, mức phí không phù hợp sẽ không thu hút, giữ chân được khách hàng. Còn ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ tốt với mức phí hợp lý sẽ thu hút, phát triển nguồn khách hàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định. 

Hiện đối với thẻ ghi nợ nội địa (thường gọi là thẻ ATM), các chủ thẻ thường chỉ phải chịu 2 loại phí cơ bản, cố định là phí phát hành thu một lần khi phát hành thẻ và phí thường niên thường thu hàng năm trong quá trình sử dụng.

Đối với 2 loại phí cơ bản là phí phát hành, phí thường niên, để thu hút khách, nhiều ngân hàng nhỏ cũng thường có chính sách miễn, giảm như giảm 50% phí phát hành, không thu phí thường niên năm đầu tiên…

Bên cạnh đó, hiện hầu hết các ngân hàng đều miễn phí giao dịch vấn tin tài khoản, xem sao kê giao dịch nội mạng tại ATM của ngân hàng. Ngoại trừ các giao dịch rút tiền ATM nội mạng thường diễn ra 2-4 lần mỗi tháng đối với chủ thẻ có nhu cầu thông thường thì giao dịch khác như đóng tài khoản, báo mất, nuốt thẻ, cấp lại PIN… có tần suất sử dụng, xác suất xảy ra thấp hơn rất nhiều. Còn các giao dịch khác, thường gắn với các tiện ích, dịch vụ gia tăng, hoặc đòi hỏi thêm nhiều chi phí liên quan thì ngân hàng mới thu hoặc thu gắn với điều kiện nhất định như: phí giao dịch ATM ngoại mạng, thông báo biến động số dư qua SMS, sử dụng thiết bị bảo mật, chuyển khoản…

Như vậy, đối với phần đông các chủ thẻ có nhu cầu cơ bản, thông thường chỉ phải trả 3-4 loại phí cơ bản như phí phát hành, phí thường niên, phí rút tiền ATM, phí chuyển khoản… Còn các loại phí thẻ ATM khác (khoảng trên 10 loại) không phải là loại thu thường xuyên, dùng đến đâu, trả đến đó. Các loại phí này chỉ gắn với dịch vụ giá trị gia tăng hoặc đòi hỏi nhiều chi phí phát sinh thì không nên coi là các loại phí cơ bản mà chủ thẻ bắt buộc phải nộp. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý I/2014, Việt Nam có 46 ngân hàng tham gia phát hành thẻ ghi nợ nội địa với tổng cộng 61,83 triệu thẻ, chiếm 90% tổng lượng thẻ phát hành. Ngoài ra, 35 ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã phát hành 6,72 triệu thẻ quốc tế, trong đó có 2,52 triệu thẻ tín dụng, 1,34 thẻ ghi nợ và 2,86 triệu thẻ trả trước.

Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin.

Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính.

Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF và đăng ký tham dự.

Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ.

Linh Anh

0913.756.339