Sự việc khởi phát nhiều nhân viên hàng không kỹ thuật cao của Vietnam Airlines báo ốm, xin nghỉ việc với khoảng 100 người trong dịp Tết dương lịch vừa qua. Các nhân viên này gồm cả phi công, điều hành khai thác bay và bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật.
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, dịp Tết dương lịch vừa qua, phi công thuộc Đoàn bay 919 báo ốm tăng bất thường. Số lượng phi công nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, việc này gây xáo trộn lịch bay và ảnh hưởng đến tư tưởng của đội ngũ phi công và uy hiếp an toàn khai thác máy bay.
Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam đánh giá, đây là hiện tượng lãn công tập thể thông qua lý do báo ốm có sự chuẩn bị trước, đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
Vietnam Airlines cho rằng, các phi công này có thể muốn chuyển việc sang các hãng hàng không khác. Do vậy, hãng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020; kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác.
Theo công bố của Vietnam Airlines trước khi thực hiện IPO, mức lương trung bình dành cho phi công trong năm 2013 là 74,8 triệu đồng/tháng, vị trí tiếp viên là 18,7 triệu đồng/tháng.
Vietnam Airlines được lãnh đạo Bộ Giao thông chỉ đạo tăng lương cho đội ngũ phi công. Ảnh: Xuân Hoa |
Trao đổi với VnExpress, một số phi công Đoàn bay 919 đã bày tỏ bức xúc trước cơ chế trả lương, cách điều hành bay, quản lý của doanh nghiệp này. Lịch bay dày đặc khiến phần lớn phi công rất mệt mỏi, nhiều người phải nghỉ ốm. Thiếu nhân sự, doanh nghiệp lại ép các phi công khác làm thay nhiều giờ khiến phi công càng vất vả, ngày nghỉ rất ít.
“Chúng tôi bị ép bay như công nhân làm việc. Nếu làm việc căng thẳng thì rất nguy hiểm, chỉ một sai sót nhỏ là dễ bị sự cố”, một phi công cho biết.
Ngoài ra, theo phi công này, sau 5 năm mà nhiều phi công chưa được tăng lương. Trong khi đó, mức lương mà hãng Vietjet Air đang trả cho phi công cùng trình độ cao gấp 2,5 lần, thời gian làm việc ít hơn.
Về phía đơn vị quản lý, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Trưởng đoàn Đoàn bay 919, khẳng định, đơn vị này sẽ nghiên cứu điều chỉnh lương, chế độ làm việc theo quy định chung vì quyền lợi của người lao động. Ông này cũng xác định thời gian qua có khoảng 100 phi công xin nghỉ ốm 1-2 ngày.
Trước tình trạng phi công nghỉ việc và kiến nghị của Vietnam Airlines, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu Vietnam Airlines điều chỉnh chế độ tiền lương cho lực lượng lao động kỹ thuật cao trong quý 1 năm nay, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy hiếp hoạt động bay của Tổng công ty. Ngoài ra, Vietnam Airlines cần thực hiện những giải pháp cấp bách về tư tưởng, giáo dục để ổn định tình hình; có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng sử dụng nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Cùng với đó, Bộ trưởng Thăng cũng chỉ đạo Cục Hàng không tạm thời chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác với lực lượng phi công của Vietnam Airlines.
Theo VietJet Air, hãng này đang có 300 phi công đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó hơn 10 phi công từ Vietnam Airlines chuyển sang. |
Đoàn Loan