Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về những khó khăn trong thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo tính toán của PetroVietnam, khi nhà máy này vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, nguồn cung xăng dầu nội địa chủ yếu từ hai nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất sẽ đạt gần 17,6 triệu m3. Tập đoàn cho rằng khi ấy, các sản phẩm xăng sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, trongs khi nguồn cung diesel sẽ vượt cầu gần 850.000 m3.
Cùng với đó, giá thành sản phẩm là điều khiến PetroVietnam lo lắng khi thuế đối với xăng dầu nhập khẩu từ một số thị trường sẽ rất thấp, do các cam kết hội nhập. Điều này khiến các thương nhân đầu mối nhiều khả năng sẽ tăng dần sản lượng nhập khẩu từ bên ngoài, thay vì mua hàng từ Dung Quất hay Nghi Sơn.
“Nếu Chính phủ không kiểm soát chặt chẽ lượng xăng dầu nhập khẩu, không có các thay đổi về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu thì việc tiêu thụ sản phẩm bao tiêu sẽ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro lớn”, văn bản của PetroVietnam đánh giá.
Với lý luận này, PetroVietnam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết các vấn đề khó khăn nêu trên nhằm bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, Tập đoàn này đề xuất điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu trên cơ sở chỉ cấp quota nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm trong nước (từ Nghi Sơn và Dung Quất) để đảm bảo các nhà máy này lọc dầu trong nước tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu PetroVietnam kêu khó và xin ưu đãi với các dự án lọc dầu. Trước đó, từ cuối năm 2014, Tập đoàn đã không ít lần kiến nghị giảm thuế với sản phầm của nhà máy Dung Quất để cạnh tranh với xăng dầu nhập ngoài. Tuy nhiên, trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ đầu tháng này, Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng “mức hiện nay là hợp lý”.
Cụ thể, sau khi nhận được kiến nghị của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ phải đóng cửa vì thuế nhập khẩu cao hồi tháng 4, Bộ Tài chính đã cho phép điều chỉnh theo hướng giảm. Theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng đã giảm từ 35% xuống 20%, các mặt hàng dầu cũng giảm tương ứng 10-15%.
Trong văn bản gửi đến cơ quan chức năng sau đó, BSR đề xuất giảm tiếp thuế với một số mặt hàng. Song theo lãnh đạo Bộ Tài chính, quan điểm của cơ quan này là vẫn giữ nguyên mức thuế.
Chí Hiếu