Ông Trương Đình Tuyển: ‘Vào TPP, tôi rất lo cho bộ máy Nhà nước’

Dự họp báo về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Bộ Công Thương chiều nay, ông Trương Đình Tuyển được chào đón nồng nhiệt. Từng là trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) gần 10 năm trước khi đang là Bộ trưởng Thương mại (cũ, nay là Bộ Công Thương), ông cũng đóng góp công sức cho sự thành công của vòng đàm phán TPP lịch sử này.

Ông chủ động tránh câu hỏi của phóng viên vì cho rằng mình có vai trò “khiêm tốn”, mà chỉ có bài chia sẻ đầy tâm huyết trong hội trường về cơ hội, thách thức của Việt Nam khi gia nhập khu vực kinh tế chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu này. VnExpress trích lại lời phát biểu của ông.

ong-truong-dinh-tuyen-vao-tpp-toi-rat-lo-cho-bo-may-nha-nuoc

Ông Trương Đình Tuyển cho rằng cần làm nhiều việc để biến cơ hội từ TPP thành lợi ích. Ảnh: N.M

“Chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, sức mạnh trên chiến trường. Thách thức là sức ép trực tiếp nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào phản ứng của chúng ta. Nếu không nhấn mạnh điều này thì sẽ vỡ mộng, hoặc bi quan quá mức.

Tôi khẳng định TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm.

Hiện nay có quá nhiều số liệu cho rằng xuất khẩu tăng, GDP tăng bao nhiều nhờ TPP, điều đó có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ như thế nào. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói. Phải rất chú ý. 

Ngày nay, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc, tổ chức một cuộc đi bộ. Chúng ta thắng một trận đá bóng thì tâng lên tận mây xanh, nhưng thua một trận thì xuống hết cỡ. Phải hết sức bình tĩnh, không nên sống nhiều quá vào cảm xúc.

Cơ hội của xuất khẩu là có nhưng quan trọng có tận dụng được hay không. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng không phải xấu. Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần 2006. Vốn đăng ký mạnh hơn thì họ phải triển khai dự án và lúc bấy giờ nhập siêu có thể tăng. Ví dụ như đầu tư nhà máy dệt thì ban đầu phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nên phần nhập về phải tăng lên lúc đầu. Sau này, nếu phát triển sản xuất thì tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên”.

Phương Linh(ghi)

0913.756.339