Ông Tập Cận Bình: ‘Kinh tế Trung Quốc vẫn ổn’

Nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu sức ép vài tháng gần đây. Tuy nhiên, tình trạng này là do môi trường kinh tế toàn cầu “phức tạp” và “bất ổn”, CNN trích lời ông Tập cho biết.

Những điều trên đã được ông Tập nêu ra trong bài phát biểu trước các lãnh đạo doanh nghiệp tại Seattle (Mỹ) trong chuyến thăm Mỹ tuần này. Ông cũng bảo vệ các phản ứng của Chính phủ với sự lao dốc mới đây của thị trường chứng khoán nước này, cho rằng nhưng hành động trên là cần thiết để “ngăn chặn sự hoảng loạn quy mô lớn”.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Mỹ. Các vấn đề sẽ được hai bên thảo luận là phản ứng của Trung Quốc trước biến động trên thị trường chứng khoán, Biển Đông, an ninh mạng, thương mại giữa hai nước và chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.

xi-jin-ping-7418-1442978288.jpg

Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình và phu nhân đã tới Mỹ hôm qua. Ảnh: AFP

Quan chức Trung Quốc khi tới thăm Mỹ thường ghé qua Seattle. Ông Tập cũng có lịch trình khá bận rộn, với việc tới thăm nhà máy của Boeing tại đây và hội nghị bàn tròn với CEO các tập đoàn lớn nhất Mỹ. Lãnh đạo Amazon, Pepsi, Microsoft, Disney hay Dupont đều dự kiến tham dự.

Trong bài phát biểu hôm qua, ông Tập cũng cam kết hợp tác về an ninh mạng và khẳng định Trung Quốc không bao giờ lấy cắp bí mật doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Trung và cho biết đối đầu sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai bên.

“Nếu Trung Quốc và Mỹ hợp tác tốt, cả hai có thể trở thành nền tảng vững chắc cho sự ổn định toàn cầu, và thúc đẩy hòa bình thế giới. Còn nếu tham gia vào xung đột hay đối đầu, đây sẽ là thảm họa cho cả hai nước”, ông nói.

Penny Pritzker – Bộ trưởng Thương mại Mỹ cũng phát biểu trước ông Tập tối qua. Ông đã hé lộ phần nào thông điệp Chính phủ Mỹ muốn gửi đến Bắc Kinh trong tuần này. “Chúng tôi và các công ty vẫn còn lo ngại về nền tảng pháp lý, độ minh bạch của chính sách, sự thiếu nhất quán trong bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách phân biệt đối xử với doanh nghiệp công nghệ, và tổng quát hơn là sự thiếu sân chơi công bằng trong nhiều lĩnh vực”, ông nói. Pritzker kỳ vọng sẽ có các cuộc nói chuyện “mang tính xây dựng” về các vấn đề này trong những ngày tới.

Chuyến thăm lần này của ông Tập tới Mỹ thu hút sự chú ý rất lớn, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc yếu đi đang là mối lo ngại toàn cầu. Thị trường chứng khoán nước này đã lao dốc từ giữa tháng 6, làm bốc hơi 5.000 tỷ USD vốn hóa, kéo theo giá cổ phiếu tại cả châu Á, châu Âu và Mỹ.

Đến tháng 8, động thái phá giá đột ngột NDT đã khiến đồng tiền này mất giá mạnh nhất 2 thập kỷ, làm chao đảo thị trường toàn cầu. Nhiều số liệu về sản xuất, xuất khẩu và giá tiêu dùng tại đây đều thấp hơn dự báo. Và nền kinh tế lớn nhì thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 25 năm, dù đã kích thích tài khóa và hạ lãi suất 5 lần từ tháng 11 năm ngoái.

Những ảnh hưởng Trung Quốc gây ra cho cả thế giới còn khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại và quyết định hoãn nâng lãi suất cuối tuần trước. Chính vì thế, các phát biểu và động thái của Mỹ – Trung tuần này sẽ được nhà đầu tư theo sát, để có thêm manh mối về sức khỏe hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Hà Thu

0913.756.339