Phát biểu về vấn đề năng suất lao động được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc đưa ra sau một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố hồi giữa năm, cho thấy năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu). Theo đó, năng suất của người lao động Việt thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng một phần năm Malaysia và hai phần ăm Thái Lan.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, do không được thông tin đầy đủ về cách tính toán của ILO nên nhiều ý kiến cho rằng do trình độ nghề nghiệp của lao động Việt Nam thấp nên dẫn đến tình trạng trên.
“Nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất kinh tế của năng suất lao động và thực tế của Việt Nam. Bởi vì năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động”, ông Nhân nhấn mạnh.
Ông cho biết, cách tính năng suất lao động của ILO là lấy tổng sản phẩm nội địa chia cho tổng số người làm việc trong nền kinh tế. “Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong nền dân số các nước như nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương như so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người giữa các nước”, vị này nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cho rằng, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới thì quốc gia có tổng sản phẩm nội địa dưới 1.000 USD thì được xếp vào nước nghèo. Việt Nam mới thoát nghèo từ năm 2008. Lúc đó, sản phẩm nội địa đầu người của Singapore là 40.000 USD, gấp Việt Nam 34 lần; của Nhật Bản là 38.000 USD gấp 33 lần, Hàn Quốc 18 lần, Malaysia gấp 7 lần
“Tức là câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp hoàn toàn tương đương với câu hỏi vì sao Việt Nam nghèo”, ông Nhân phân tích.
Lý giải về thực trạng năng suất lao động còn thấp, ông đưa ra 5 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, Việt Nam và các quốc gia khác có xuất phát điểm rất khác nhau từ nhân lực, thiết bị công nghệ, cơ cấu nền kinh tế, mức độ hoàn thiện của mức độ pháp luật…
Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu 5 lý do kiến năng suất lao động của Việt Nam thấp. |
“Sau chiến tranh, chúng ta mới bắt tay vào công cuộc này, trong khi những quốc gia khác đã có nhiều năm để phát triển”, ông cho hay.
Vị này dẫn chứng, tại thời điểm năm 1975, khoảng cách về thu nhập theo đầu người hay năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước đã rất lớn. Theo số liệu của Liên hợp quốc khi đó, tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người của nước ta chỉ đạt 79 USD, trong khi Malaysia là 819 USD, gấp hơn 10 lần, Thái Lan gấp 4,6 lần, Singapore gấp 32 lần, Hàn Quốc gấp 8 lần, và Nhật Bản gấp 58 lần.
Tuy nhiên, đến năm 2013, khoảng cách về thu nhập đầu người giữa Việt Nam và các nước trên đã thu hẹp đáng kể. Malaysia còn 5 lần, Thái Lan còn gấp 3 lần, Singapore gấp 20 lần. “Với xuất phát điểm thấp như vậy, việc nhanh chóng thu hẹp với các nước đã là một thành tựu đáng ghi nhận”, ông Nhân nhấn mạnh.
Lý do thứ 2 của tình trạng năng suất lao động thấp theo ông Nhân là do khả năng tích lũy của nền kinh tế còn hạn chế. Quá trình tăng năng suất lao động luôn đi đôi với điều kiện tăng mức trang bị công nghệ cho người lao động, và như vậy thì phải có vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, một nước nghèo thì khả năng đầu tư còn hạn chế, do vậy cần quá trình tích lũy và đầu tư hàng chục năm.
Từ 2000 đến 2013 tuy khoảng cách đầu tư vốn của người lao động của Việt Nam và các nước đã tăng lên đáng kể song chênh lệch vẫn lớn. Nhật Bản từ gấp 76 lần so với Việt Nam vào năm 2000 giảm xuống còn 20 lần 2013, Singapore từ gấp 66 lần còn 22 lần…
Cũng theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, trình độ công nghệ thấp và lạc hậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Theo tổng điều tra năm 2011, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp giảm dần song vẫn chiếm bình quân gần 60%. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình thấp gần 29%, trung bình cao 10% và công nghệ cao chỉ vào khoảng 2%.
“Như vậy, tình trạng 88% doanh nghiệp có công nghệ trung bình và trung bình thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất thấp. Để khắc phục tình trạng này phải tăng đầu tư thiết bị công nghệ ở hầu hết doanh nghiệp trong nước”, ông Nhân nhận định.
Một nguyên nhân nữa, theo ông là nền kinh tế Việt Nam còn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp và trình độ nhìn chung còn thấp. Năm 2014, lao động trong nông nghiệp chiếm 47%. Tỷ lệ đào tạo tăng dần nhưng vẫn thấp, năm 2000 là 16%, 2010 là 40%, 2013 đạt 49%. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Singapore, Hàn Quốc là 62%.
Bên cạnh đó, khoa học còn chậm phát triển và đầu tư cho lĩnh vực này còn thấp. Từ năm 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học trên tổng sản phẩm nội địa chỉ xung quanh 0,5%. Trong vòng 11 năm tỷ lệ này tăng từ 0,48% lên 0,51%. Trong khi đó, các nước khu vực xung quanh đã đầu tư mạnh hơn như Malaysia tăng từ 0,47% GDP lên 1,07, Trung Quốc tăng từ 0,95 lên 1,84%, Hàn Quốc từ 2,47 lên 4,07%
Ngoài 5 yếu tố trên, theo Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam. Ông cũng khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ hiện đại không thua kém các quốc gia, trong khi chi phí chỉ bằng một phần mười hoặc một phần hai mươi nước khác.
“Năm 2013, nhà máy Samsung ở Bắc Ninh đã xuất khoảng 130 triệu điện thoại di động và thiết bị khác, trị giá gần 24 tỷ USD. Trong đó, họ sử dụng 45.000 lao động và chỉ có 70 người Hàn Quốc. Công ty này cũng quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu tại Singapore và thành lập tại Việt Nam với khoảng 3.000 người vì các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của họ và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore”, ông nhận định.
Để cải thiện tình trạng trên, ông Nhân cho rằng điểm quan trọng là phải tháo được nút thắt để tăng năng suất lao động cho người nông dân. Trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nhân nhấn mạnh phương án chủ yếu là phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp. Theo đó, phải chuyển mô hình sản xuất từ hộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường không có tính cạnh tranh cao sang mô hình hộ nông dân liên kết trong các tổ chức để hợp tác sản xuất, mua bán trên thị trường có tính cạnh tranh cao.
Quang Dũng – Ngọc Tuyên