Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã công bố gói tín dụng “OCB – Vay nhanh và rẻ” áp dụng mức lãi suất cố định trong suốt 36 tháng. Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB phụ trách khối khách hàng cá nhân đã chia sẻ về vấn đề này.
– Mục đích ngân hàng OCB quyết định áp dụng gói tín dụng “OCB – vay nhanh và rẻ” là gì thưa ông?
– Mục tiêu OCB là đẩy mạnh cho vay cá nhân, với tình hình hiện nay, các ngân hàng cạnh tranh ưu đãi lãi suất trong thời gian ngắn. Trong một cuộc chơi có sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn khi nhiều ngân hàng tham gia tài trợ vốn. Vì thế, về lãi suất, OCB cũng phải cạnh tranh để có thể thu hút được khách hàng vay. Ví dụ, lãi suất cho vay tại OCB hiện nay đủ sức cạnh tranh, chỉ từ 9% một năm, cố định trong 12 tháng đầu, nên khách hàng cá nhân có thể chấp nhận được. Nhưng với khoản vay vốn mua xe, nhà là trung, dài hạn nên việc áp dụng mức lãi suất ưu đãi trong năm đầu cũng chưa hẳn là tất cả. Các ngân hàng cũng chỉ ưu đãi lãi suất ở năm đầu, sau đó đều thả nổi. Vì thế, mức lãi suất ưu đãi không đáng kể: chênh lệch 0,3 – 0,5% một năm, chia đều cho 12 tháng (mỗi tháng chỉ khoảng 0,02 – 0,03%) . Trong khi đó, khách hàng thường lo ngại với những khoản vay trung và dài hạn, sau khi hết thời gian khuyến mại hoặc sau một năm, lãi suất thường thả nổi. Vì vậy “OCB – vay nhanh và rẻ” là cách mà ngân hàng đưa dòng vốn dễ dàng và thuận lợi hơn cho khách hàng cá nhân.
– Cụ thể, ông có thể cho biết mức lãi suất áp dụng sẽ như thế nào?
– Gói tín dụng ưu đãi “OCB – vay nhanh và rẻ” có những chọn lựa: vay từ 12 tháng trở xuống lãi suất 10,5% một năm; vay từ trên 12 tháng đến 24 tháng, cố định năm thứ nhất 9,5% một năm; vay từ trên 24 tháng trở lên, cố định năm thứ nhất 9% một năm; vay từ 48 tháng trở lên, khách hàng có thêm một chọn lựa đó là lãi suất cố định 9,99% trong suốt ba năm (36 tháng) đầu.
– Ông hãy cho biết về đối tượng áp dụng của chính sách này?
– Chương trình được triển khai từ 10/11 đến 31/12. Chính sách này áp dụng cho mục đích vay đa dạng của khách hàng: vay mua bất động sản (nhà, căn hộ, đấy ở), xây dựng, sửa chữa nhà, vay mua xe ôtô, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, vay sản xuất kinh doanh.
– Ngân hàng cũng đang tham gia tài trợ vốn cho nhiều dự án, vậy chiến lược của OCB đối với phân khúc tín dụng nhà ở như thế nào?
– Chiến lược sắp tới của OCB sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng là những gia đình trẻ chưa có nhà và đang ở thuê. Cùng với khách hàng giải quyết vấn đề nhà ở, dùng chính số tiền thuê nhà hàng tháng để mua một mái ấm cho riêng mình. OCB đã có những chính sách nội bộ trong việc phân loại khách hàng và chính sách cụ thể cho các đối tượng khách hàng khác nhau, bảo đảm cho các đối tượng khách hàng này có thể tiếp cận được nguồn vốn. Hoạt động tín dụng khách hàng cá nhân của OCB vẫn trong giai đoạn tái cấu trúc lại, với định hướng chiến lược đặt trọng tâm vào khách hàng mục tiêu là khách hàng có mức thu nhập trung bình, nhưng ổn định, khá và khá giả. Đồng thời, ngân hàng sẽ nâng tầm quản trị rủi ro đối với hoạt động tín dụng của phân khúc khách hàng này. Theo khảo sát, nhu cầu của khách hàng vay vốn mua nhà khá cao, đặc biệt đối với phân khúc khách hàng là các cán bộ nhân viên trong sở ban ngành, các doanh nghiệp, tổ chức. Từ đó, OCB sẽ thiết kế các sản phẩm, dịch vụ phù hợp để phục vụ các khách hàng.
– Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn cuối năm?
– Tín dụng giai đoạn cuối năm theo tôi sẽ có mức tăng trưởng tốt vì thị trường bất động sản ấm lên khi các chính sách thông thoáng và dần được nới lỏng. Chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà sẽ có thêm tác động tích cực cho thị trường bất động sản phát triển. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt hoạt động vàng và ngoại tệ, dòng tiền sẽ khó chảy qua các lĩnh vực khác của giới đầu cơ; hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã có chiều hướng khởi sắc trở lại khi giai đoạn suy thoái đã qua, nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh gia tăng, đặc biệt là chính sách giá và lãi suất của các ngân hàng thương mại thấp so với lịch sử về diễn biến lãi suất trong những năm gần đây.
(Nguồn: OCB)