Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay nợ công vẫn trong giới hạn cho phép (65%) nhưng đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn. Đến hết năm nay, dự kiến nợ công khoảng 61,3% GDP. Tỷ lệ của năm 2011 là 50,1%; năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,5% và năm ngoái là 59,6%.

Chính phủ giải thích nợ công gia tăng do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, thu ngân sách trong nước khó khăn, trong nước phải thực hiện các gói kích cầu từ năm 2009 và gắn liền với đó là hàng loạt các chương trình miễn giảm thuế nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh trong khi vẫn phải duy trì hàng loạt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển…

Trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội cuối năm ngoài, Chính phủ từng dự báo nợ công năm 2015 lên tới 64% GDP. 

no-cong-tang-nhanh-ap-luc-tra-no-lon

Nợ công đến hết năm 2015 dự kiến đạt 61,3% GDP. Ảnh: Reuters

Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015, hiệu quả sử dụng vốn nguồn vốn tài trợ ODA chưa cao, áp lực và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. 

“Cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Bội chi ngân sách dự kiến 5% GDP, không đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP”, vị này nhận xét.

Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội cho phát hành trái phiếu quốc tế nhằm tái cơ cấu nợ, sau khi phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu vào cuối năm 2014 nhằm đảo nợ các khoản vay đến hạn vào năm 2016 và 2020.

Đánh giá tổng thể về nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Nhưng tính bình quân 5 năm, chỉ tiêu này chỉ đạt 5,9% mỗi năm, chưa hoàn thành kế hoạch.

Quy mô GDP đến cuối năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD). 

Năm 2016, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.450 USD, lạm phát dưới 5%, bội chi ngân sách khoảng 4,95% GDP. Bình quân 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng GDP mục tiêu 6,5 – 7% mỗi năm.

Ủy ban Kinh tế cảnh báo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, cần lưu ý đặc biệt đến chỉ tiêu xuất khẩu. “Các báo cáo hiện nay đều hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo xuất khẩu năm 2016 sẽ khó khăn vì vậy, cần đánh giá kỹ hơn về chỉ tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%”, cơ quan này khuyến nghị.

Liên quan đến bội chi ngân sách nhà nước, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế chưa mạnh mẽ, nếu như cắt giảm đầu tư công quá lớn trong khi xã hội đầu tư các công trình dịch vụ công chưa lớn sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội, do vậy việc duy trì mức chi khá cao là cần thiết để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Song, Chính phủ cần báo cáo rõ tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, bội chi chủ yếu cân đối đầu tư phát triển, xây dựng chi tiết lộ trình giảm bội chi và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quồc gia.

Phương Linh

0913.756.339