Người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những người thích tiết kiệm tiền nhất thế giới, với gần hai phần ba để dành tiền nhàn rỗi vào vào tài khoản tiết kiệm, so với mức bình quân 48% trên toàn cầu. Điều này trái ngược với khu vực Mỹ Latin, nơi người dân chủ yếu dùng tiền để chi trả các khoản nợ.
Người Việt vẫn thích tiết kiệm hơn chi tiêu. |
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất (78%), tiếp theo là Indonesia (74%), Philippines (68%), Singapore (66%), Malaysia (65%) và Thái Lan (64%). Để làm đầy tài khoản tiết kiệm, đa số người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào việc mua quần áo mới; cố gắng tiết kiệm tiền điện, gas, các chi phí giải trí gia đình hay trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ, thay thế các mặt hàng gia dụng lớn…
Tuy nhiên, khảo sát của Nielsen cho thấy xu hướng chi nhiều tiền hơn của người Việt, phản ánh qua chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng đáng kể trong quý I/2015, từ mức 106 điểm quý trước lên 112 điểm – cao nhất trong gần 5 năm. Kết quả này đã giúp Việt Nam đứng thứ 6 trên 41 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ lạc quan của người tiêu dùng, sau Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Thái Lan.
Ông Vaughan Ryan – Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định Việt Nam là một quốc gia rất trẻ và lạc quan, với 57% dân số dưới 35 tuổi và số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng 60% vào thập niên cuối cùng. Trong tương lai, người tiêu dùng trung lưu tin tưởng sẽ có nhiều tiền hơn để chi cho bản thân, cải thiện đời sống và có nhiều khát vọng để được tốt hơn mỗi ngày.
Tuy vậy, vị này cũng đưa ra quan điểm thận trọng khi cho rằng thị trường vẫn đang diễn biến chậm chạp. “Những gì chúng ta đang thấy ở đây không phản ánh đúng thực trạng của thị trường, mà đúng hơn là phản ánh hy vọng và tâm trạng của người tiêu dùng Việt trong tương lai”, ông Ryan nói.
Nguồn: Nielsen |
Mặc dù hầu hết người tiêu dùng đang ưu tiên cho để dành tiền tiết kiệm, nhưng khảo sát cũng cho thấy sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt, gần một nửa số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho các mục lớn như du lịch dịp lễ và nghỉ hè (44%) và mua các sản phẩm công nghệ mới (40%), tăng so với quý trước.
Dân cư Đông Nam Á nói chung vẫn dành mối quan tâm chính về tình hình kinh tế trong 6 tháng tiếp theo, bên cạnh những lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự đảm bảo công việc và sức khỏe. Nhưng Việt Nam thì ngược lại xu hướng chung của toàn khu vực, trong 6 tháng tới, số người tiêu dùng lo ngại về sức khỏe nhiều hơn hiện trạng nền kinh tế và sự bảo đảm công việc.
Khảo sát toàn cầu của Nielsen về niềm tin người tiêu dùng và khuynh hướng chi tiêu được tiến hành từ năm 2005, điều tra mối quan tâm chính và khuynh hướng chi tiêu của hơn 30.000 đáp viên có sử dụng Internet ở 60 quốc gia. Mức độ niềm tin người tiêu dùng cao hơn hay thấp hơn mức cơ sở 100 điểm sẽ cho thấy được mức độ lạc quan hay bi quan vào nền kinh tế.
Phương Linh