Mạo danh nhân viên thu ngân
Với các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông…thực tế, hầu hết thu ngân viên đều không thuộc biên chế của đơn vị quản lý, thậm chí chỉ làm thời vụ. Do đó, khi đi thu tiền tại từng hộ gia đình, họ hay mặc thường phục, không có biển tên, phù hiệu trên áo. Nhiều khách hàng cho biết khi thay đổi nhân viên phụ trách, cơ quan cung cấp dịch vụ không có thông báo, nên rất khó biết ai là nhân viên thật, ai mạo danh. Với các nhân viên thu ngân “rởm” thì cách thức lừa đảo phổ biến mà họ sử dụng như dùng hóa đơn giả, thu tiền xong báo hết hóa đơn, nhắm vào các gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ hoặc đi thu lúc nhập nhoạng tối…
Một trường hợp tố cáo lừa đảo hóa đơn điện mới đây được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Bà Đỗ Thị Vân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết mình đã bị một người tự xưng là nhân viên ngành điện lừa nộp 1,2 triệu đồng với một hóa đơn in rất mờ các con số, thông tin. Ít ngày sau, khi nhân viên ngành điện đến thu số tiền 800.000 đồng với hóa đơn hợp chuẩn, gia đình bà mới biết. Khách hàng này kể lại khi bị lừa, kẻ gian đã bấm chuông cửa, gọi đúng họ tên chủ hộ và nêu so số tiền phải nộp, bà đã thanh toán mà không mảy may nghi ngờ.
Lợi dụng sự sơ xuất của người dân trong thanh toán tiền điện, nước, điện thoại…mà không ít đối tượng đã lừa đảo lấy tiền một cách dễ dàng |
Hệ thống thanh toán trực tuyến không đồng bộ
Việc thanh toán cước di động điện tử tại website đang được các nhà mạng khuyến khích chủ thuê bao. Tuy nhiên, việc thiếu đồng bộ trong hệ thống khiến cho không ít khách hàng và cả nhân viên thu ngân vừa thấy phiền toái. Chị Thu (Ba Đình, Hà Nội) cho biết vừa thanh toán đã trực tuyến gần 500.000 đồng cước điện thoại tháng 8 khi ở cơ quan. Tối về nhà, nhân viên thu ngân vẫn đem hóa đơn để thu tiền. Đáng chú ý hóa đơn được xuất từ trước đó cả chục ngày. Dù không bị phải đóng tiền lần hai, song chị Thu cảm thấy không yên tâm về hệ thống thanh toán điện tử của nhà mạng.
Trong khi đó, đối với việc thu tiền điện, dù lãnh đạo ngành khẳng định POS là thiết bị có thông số bảo mật cao và được quản lý rất chặt chẽ từ hệ thống của cả ngành, song những trường hợp trục trặc cũng đã xảy ra.
Trường hợp nhà anh Nguyễn Bình (TP HCM) cho thấy thiết bị POS đã gặp lỗi kỹ thuật khi không lưu được hóa đơn xuất ra trước đó chỉ trong một ngày. Anh cho biết ngày 16/8, nhân viên đến thu tiền điện và in trả hóa đơn. Đến ngày 17/8, chính thu ngân viên này lại đến thu với số tiền bằng hôm trước đó. Anh thắc mắc, song nhân viên nói trên máy vẫn không báo số tiền đã được thanh toán và đề nghị đưa hóa đơn ra đối chiếu.
Sau khi xem và nhớ lại, nhân viên thu tiền cũng ngạc nhiên và thực hiện in luôn hóa đơn mới. Song điều anh băn khoăn nhất là trên hóa đơn mới vẫn ghi là lần một. “Rõ ràng máy POS của ngành điện có vấn đề. Lỡ may sau đó một tuần hoặc gặp người khác trong gia đình thì nhà tôi đã phải đóng tiền điện đến 2 lần”, anh Bình bày tỏ.
Nhập nhèm mức thu, số lần thu
Trường hợp một số thu ngân viên nhập nhèm mức phí in trên hóa đơn để chiếm đoạt cũng không hiếm, nhất là đối với phí môi trường. Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết vừa phát hiện vụ việc thu tiền sai quy định tại Xí nghiệp môi trường đô thị Thanh Trì. Thông thường, khi thu tiền của người dân, nhân viên xuất ra “Vé vệ sinh”có in sẵn các mệnh giá 45.000 đồng và 18.000 đồng. Song hai nhân viên của đơn vị đã gạch xóa số tiền in sẵn ở phần mệnh giá và thu mỗi hộ dân là 108.000 đồng. Sau khi vụ việc đã được xác minh, công ty đã kỷ luật hai nhân viên gian lận này.
Trước đó, khi nhân viên công ty môi trường đến thu 90.000 đồng tiền rác quý 1, chị Linh (Pháo Đài Láng) băn khoăn vì nhớ đã đóng phí cách đây không lâu. Khi thắc mắc thì nhân viên nói đó là mức thu của 3 tháng cuối năm 2014. Do không giữ lại hóa đơn nên chị không thể xác minh và đành nộp tiền cho xong chuyện.
Thanh toán cho website giả
Hiện, nhiều ngân hàng thương mại đều cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến tiền điện, cước điện thoại, internet, cáp truyền hình. Do đó, không ít đối tượng lừa đảo công nghệ cao đã lập web có giao diện giống hệt web “xịn” của ngân hàng, đơn vị có số lượng khách hàng giao dịch lớn. Ngoài việc chiếm đoạt tiền của khách hàng, các thông tin cá nhân cũng bị các đối tượng đánh cắp để sử dụng mục đích khác.
Ngoài ra, với tên miền liên quan đến việc khuyến mại, nạp tiền viễn thông của một số nhà mạng… thời gian qua, không ít cá nhân do sơ xuất đã thao tác thanh toán cước điện thoại và đã bị mất với số tiền lớn hơn nhiều số tiền phải trả cho nhà mạng.
Thành Tâm