Những lo ngại đằng sau chương trình EB-5

Theo ông Trần Văn Tỉnh – sáng lập viên IMM Group, việc đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào các dự án tại Mỹ để lấy thẻ xanh cho cả gia đình, giúp con cái tiếp cận với phúc lợi y tế cũng như nền giáo dục tiên tiến của Mỹ là lựa chọn của không ít người Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau sự hấp dẫn này là rất nhiều rủi ro đến từ chương trình hoặc chính nhà đầu tư.

ông Trần Văn Tỉnh - sáng lập viên IMM Group.

Ông Trần Văn Tỉnh – sáng lập viên IMM Group.

Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư Việt Nam nói riêng và nhà đầu tư EB-5 nói chung thường không đọc giấy tờ pháp lý hay xây dựng kế hoạch thẩm tra dự án bài bản trước khi quyết định đầu tư. Thậm chí sau khi đã thực hiện đầu tư, có người còn không biết dự án đang làm gì và hoạt động ra sao.

Kế đến là trở ngại từ các công ty tư vấn khi những đơn vị này không dịch đầy đủ giấy tờ pháp lý, cấu trúc đầu tư, kế hoạch kinh doanh của dự án một cách rõ ràng cho nhà đầu tư tham khảo. Một số công ty đánh vào niềm tin của khách hàng bằng những thông tin hấp dẫn để bán suất đầu tư thay vì tư vấn cho họ những rủi ro có thể gặp phải. Chẳng hạn một đơn vị phát triển dự án EB-5 từng thành công trong nhiều dự án trước không đồng nghĩa với việc họ sẽ thành công 100% trong dự án tiếp theo. Do đó, việc kiểm tra dự án luôn là động tác cần thiết.

Việc nhà đầu tư thường sử dụng những phương pháp kiểm tra dự án truyền thống theo sự gợi ý của công ty tư vấn cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Đơn cử không ít người Việt Nam chấp nhận sang tận Mỹ để tận mắt tham quan dự án. Tuy nhiên, do chỉ mới ở trong giai đoạn huy động vốn nên đây vẫn chỉ là một miếng đất trống và một số công ty đã khéo léo “che mắt” khách hàng bằng cách dẫn họ đến những dự án tương tự đã được triển khai.

Vấn đề lo ngại tiếp theo đến từ việc nhà đầu tư không chấp nhận những rủi ro nhất định của dự án (vốn là một phần tất yếu của chương trình EB-5) mà chỉ muốn được đảm bảo 100% thành công. Chính tâm lý này đã khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc bị các công ty môi giới lừa đảo bằng những lời cam kết sai lệch và thiếu thực tế.

Hiện vẫn có nhiều nhà đầu tư quan niệm sai lầm về tính phức tạp của chương trình EB-5 khi cho rằng đâylà chương trình dễ nhất trong hệ thống nhập cư Mỹ trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

polyad

“Nhiều nhà đầu tư chưa biết gì về nước Mỹ, chưa từng đặt chân đến Mỹ, không có khả năng ngoại ngữ… vẫn muốn tham gia chương trình vì nghe quảng cáo rằng chỉ cần bỏ 500.000 USD, tương đương 12 tỷ đồng là có thẻ xanh. Những nhà đầu tư này chính là thị trường béo bở cho những công ty muốn bán sản phẩm EB-5 theo phương châm chỉ cần ký hợp đồng là được”, ông Tỉnh cảnh báo.

Ngoài ra, các định nghĩa trong luật EB-5 còn thường bị bóp méo hoặc diễn giải không đúng sự thật. Ví dụ, đa số các dự án trên thị thường đều thông qua một pháp nhân là Công ty quản lý vùng (Regional Center). Nhiều nhà đầu tư nhầm tưởng rằng “Regional Center” được huy động vốn thì cũng “đã được chấp thuận”. Tuy nhiên, thực chất giấy phép mà họ có chỉ được dùng để kêu gọi vốn đầu tư vào dự án EB-5 trong một khu vực nhất định. Sự an toàn, tính khả thi, khả năng hoàn vốn của dự án không phụ thuộc vào giấy phép Regional Center. Đây chỉ là điều kiện cơ bản nhất mà một đơn vị phải có nếu muốn gây quỹ đầu tư cho dự án EB-5.

Một định nghĩa khác thường không được diễn giải rõ ràng cho nhà đầu tư là “Direct EB-5” (mô hình đầu tư EB-5 trực tiếp). Một số nhà đầu tư hiểu khái niệm “trực tiếp” ở đây là bản thân họ được trực tiếp vận hành dự án. Một số khác lại hiểu mô hình này yêu cầu một triệu USD tiền vốn thay vì chỉ 500.000 USD như thông qua công ty quản lý vùng. Thực chất, khái niệm “trực tiếp” trong thuật ngữ “Direct EB-5” lại đề cập đến cách tính việc làm tạo ra từ dự án.

polyad

Tương tự, không nhiều nhà đầu tư hiểu bản chất thật của cái gọi là “dự án của Chính phủ” mà các công ty môi giới vẫn dựa vào đó để tiếp thị. Cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Mỹ chưa đứng ra tổ chức bất cứ dự án EB-5 nào. Chỉ có trường hợp đất được thành phố giao để xây dựng, trường học tư nhân được thành phố khuyến khích thành lập…, nhưng đó không thể gọi là dự án của Chính phủ. Bản thân nó vẫn phải có chiến lược đầu ra để tạo lợi nhuận và hoàn vốn.

Cuối cùng là tâm lý chăm chăm chọn dự án lớn để an toàn của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên với chương trình EB-5, một dự án lớn chưa hẳn đã tốt. Dự án quá lớn thường kéo theo hệ lụy là khâu phân chia số việc làm tạo ra cho từng nhà đầu tư cũng phức tạp. Tùy vào dự án, số vốn và cách tính việc làm mà xem xét mức độ rủi ro. Dựa trên mô hình đầu tư, thông qua công ty quản lý vùng hay EB-5 trực tiếp mà xem tính khả thi của việc tạo ra việc làm. Để thẩm tra việc này, chỉ có cách duy nhất là thẩm định dự án kinh doanh, kinh nghiệm, quá khứ của người điều hành dự án.

“Tóm lại, những lợi ích đến từ thẻ xanh theo diện EB-5 là điều không phải bàn cãi. Nhưng đằng sau đó là rất nhiều rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng khi đưa ra quyết định, nhất là quá trình chứng minh nguồn tiền. Một khi chứng minh nguồn tiền thất bại thì cơ hội, chi phí cũng không còn nữa”, ông Tỉnh kết luận.

Minh Trí

0913.756.339