Những doanh nhân tuổi Mùi trên thương trường Việt

2015 là năm Ất Mùi – biểu tượng con dê. Theo tử vi, người sinh năm Mùi thể hiện năng lượng dồi dào, cho phép họ chịu đựng áp lực lớn, nhưng vẫn duy trì sự ổn định. Người tuổi Mùi lao động hết sức chăm chỉ, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình mà còn đỡ bớt gánh nặng của những người khác. Đôi khi có cảm giác là người tuổi Mùi muốn làm việc không ngừng nghỉ. Họ sẵn sàng đón nhận mọi áp lực và có đủ nội lực để theo đuổi công việc cho tới tận khi không thể nhúc nhích được nữa.

Người tuổi Mùi không hề ầm ĩ và thích lui vào hậu trường. Sức mạnh của họ nằm ở khả năng biết lắng nghe, quan sát và giữ vững sự kiên định. Tố chất kiên định của người tuổi Mùi khiến họ trở nên đáng tin cậy. Trên thương trường Việt, cũng không ít doanh nhân nổi tiếng là người tuổi Mùi.

Bà Đặng Thanh Hằng (sinh năm 1967: Đinh Mùi) – Chủ tịch HĐQT Thanh Hằng Corporation

Dang-Thanh-Hang.jpg

Doanh nhân Đặng Thanh Hằng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống ở Hà Nội, tuổi nhỏ, bà từng ước mơ trở thành kỹ sư cầu đường. Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, bà bất ngờ chuyển sang lĩnh vực kinh doanh. Khi ấy, bà Hằng 23 tuổi và có trong tay 6 chỉ vàng. Sau 25 năm làm việc, bà Hằng đang sở hữu khối tài sản khá lớn từ Viện chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Mỹ Beauty Medi, gồm 2 cơ sở đặt tại Hà Nội và TP HCM với doanh thu trung bình trên 150 tỷ đồng; sở hữu thương hiệu ảnh viện Hong Kong từ năm 1996 với chuỗi 5 cửa hàng khắp Hà Nội, đón tiếp hàng nghìn khách, mỗi tháng.

Ngoài ra, bà Hằng còn là người sáng lập và sở hữu thương hiệu thời trang Thanh Hằng từ những năm 90 và thương hiệu áo cưới Thanh Hằng Jessica, tiếp nhận 300 cô dâu mỗi ngày. Với quan niệm “đẳng cấp quyết định sự tồn tại của thương hiệu”, ngay từ khi khởi nghiệm, bà Hằng đã mạnh tay chi số tiền khá lớn để nhập khẩu những bộ váy cưới thời trang, hiện đại và phong cách nhất từ Mỹ và Hong Kong.

Nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2015, người đàn bà đẹp Thanh Hằng cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động ra nước ngoài, với động thái đầu tiên là mở văn phòng đại diện tại Mỹ. “2015 là năm tuổi, công việc của tôi được dự báo sẽ vất vả khó khăn. Tuy nhiên, từ khi đặt chân vào thương trường, tôi đã xác định năm nào cũng là năm tuổi, đã là doanh nhân thì ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải làm việc và cố gắng. Thậm chí, ngay cả lúc vinh quang nhất, người đứng đầu cũng phải nghĩ đến những kịch bản xấu nhất để chẩn bị và vượt qua”, bà Hằng tâm sự.

Ông Lê Hữu Đức (1955: Ất Mùi) – Chủ tịch ngân hàng Quân Đội (MB)

Le-huu-duc-7271-1423901863.jpg

Thượng tướng Lê Hữu Đức. Nguồn: QĐND

Thượng tướng Lê Hữu Đức chính thức nhận chức Chủ tịch MB vào cuối tháng 4/2011, thời điểm ngân hàng chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM. Theo dữ liệu cập nhật của Reuters, tại tháng 12/2014, ngân hàng có tổng tài sản hơn 203.000 tỷ đồng – lớn nhất trong khối ngân hàng không có cổ phần Nhà nước chi phối.

Năm 2015, MB đứng trước kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 11.256 tỷ lên 15.500 tỷ đồng (tăng 38%) thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đối tác chiến lược và cổ đông nước ngoài.

Bên cạnh nhiệm vụ lãnh đạo một đơn vị kinh tế, ông còn giữ chức vụ quan trọng trong quân đội. Tốt nghiệp tiến sỹ tại Học viện Quốc phòng, Thượng tướng Lê Hữu Đức hiện đang giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bà Nguyễn Thị Nga (1955: Ất Mùi) – Chủ tịch ngân hàng Đông Nam Á (Seabank)

nga-seabank-5133-1423901864.jpg

Bà Nguyễn Thị Nga hiện sở hữu nhiều tài sản trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản.

Là một trong những “nữ tướng” nổi danh trên thương trường Việt và lọt vào danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2014” do Forbes công bố, song bà Nguyễn Thị Nga dường như rất kín tiếng trước truyền thông. Giới kinh doanh nhớ tới bà là một lãnh đạo nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng – bất động sản.

Trước khi giữ chức Chủ tịch Seabank – ngân hàng có tổng tài sản 3,7 tỷ USD, bà Nga từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) giai đoạn 2005 – 2007. Trong thời gian là cổ đông của Techcombank, vị này còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Thung lũng Vua – vận hành sân golf quốc tế Đảo Vua (Đồng Mô, Hà Nội). Đây cũng là nền tảng để bà xây dựng BRG – tập đoàn sở hữu cổ phần trong hàng loạt lĩnh vực tài chính, ngân hàng, sân golf và các khách sạn sang trọng.

Các đơn vị thành viên thuộc BRG gồm Seabank, sân golf quốc tế Đảo Vua – Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera…

Ông Nguyễn Cảnh Sơn (1967: Đinh Mùi) – Chủ tịch Tập đoàn Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow)

nguyen-canh-son-6797-1423901864.jpg

Ông Nguyễn Cảnh Sơn khởi nghiệp từ việc buôn bán tại thị trường Đông Âu.

Ông chủ Tập đoàn Eurowindow là một trong những doanh nhân Việt Nam khởi nghiệp từ Đông Âu. Đến năm 1996, ông chính thức tham gia vào hoạt động kinh doanh trong nước với việc trở thành cổ đông của Ngân hàng Quốc tế (VIB) và sau này lập ra Eurowindow Holding để quản lý các dự án đầu tư tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, tài chính…

Đối với các lĩnh vực tài chính , Eurowindow Holding đang góp vốn ở Techcombank, công ty chứng khoán EuroCapital. Trong lĩnh vực bất động sản, Eurowindow Holding trực tiếp quản lý sàn giao dịch bất động sản Eurowindow Holding, đầu tư vào các dự án lớn như Tổ hợp thương mại Melinh Plaza, Tổ hợp đa chức năng Eurowindow (Eurowindow Multi Complex) tại đường Trần Duy Hưng (Hà Nội)…

Ông Don Lam (1967: Đinh Mùi) – Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ (VinaCapital)

Don-lam-3252-1423901864.jpg

Ông Don Lam sáng lập nên VinaCapital, quản lý quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam.

Don Lam sinh ra tại Nha Trang, Khánh Hòa nhưng đã theo gia đình sang định cư tại Canada từ nhỏ. Năm 36 tuổi, ông cùng một số cộng sự sáng lập ra VinaCapital với quy mô 10 triệu USD. Hiện tại, VinaCapital là công ty quản lý quỹ lớn nhất tại Việt Nam với tổng tài sản quản lý khoảng 1,7 tỷ USD, trong đó có nhiều cổ phiếu bluechips cũng như bất động sản lớn…

Ông Kiều Hữu Dũng (1967: Đinh Mùi) – Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank)

kieu-huu-dung-3335-1423901864.jpg

Ông Kiều Hữu Dũng đã có 10 năm làm ở Ngân hàng Nhà nước trước khi tham gia thương trường.

Trước khi trở thành doanh nhân, ông Kiều Hữu Dũng từng là công chức khi có hơn 12 năm làm việc tại Vụ hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) và giữ tới hàm Vụ trưởng. Đến năm 2008, ông Dũng chuyển hướng, trở thành Chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB, nhưng chỉ giữ chức vụ này trong một năm. Năm 2012, ông chuyển sang Công ty Chứng khoán Sacombank trong giai đoạn công ty này phải tái cơ cấu vì thua lỗ.

Vừa là Chủ tịch Chứng khoán Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cũng được bầu giữ chức Phó chủ tịch Ngân hàng Sacombank trong kỳ đại hội cổ đông năm 2012 – kỳ họp đánh dấu sự xáo trộn nhiều xáo trộn nhất của nhà băng này tới nay khi có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) và ông Trầm.

Đến tháng 4/2014, ông chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank dù không nắm cổ phần nào.

Ông Võ Quốc Thắng (1967: Đinh Mùi) – Chủ tịch Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank), Công ty Đồng Tâm

vo-quoc-thang-5338-1423901864.jpg

Ngoài công việc kinh doanh, ông Võ Quốc Thắng còn đam mê bóng đá.

Ông Võ Quốc Thắng sinh ra và lớn lên tại Long An trong một gia đình có truyền thống làm nghề gạch. Từ cơ sở sản xuất gia đình, đến năm 1993, ông đứng ra thành lập ông ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất – xây dựng – thương mại Đồng Tâm, chuyên sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng. Đến nay, công ty của ông đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng với tổng tài sản gần 2.700 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

Được biết đến là vị doanh nhân sẵn sàng dấn thân, năm 2013, trong bối cảnh ngành tài chính rơi vào cơn khốn khó của nợ xâu, ông Thắng quyết định tham gia vào Hội đồng quản trị ngân hàng Kiên Long và giữ chức vụ Chủ tịch cho tới nay. Ngân hàng này cũng vừa công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 250 tỷ đồng.

Ngoài sứ mệnh doanh nhân, vị Chủ tịch này còn đam mê trái bóng tròn khi đứng ra thành lập Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm và làm Chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), do vậy, ông còn có biệt hiệu là bầu Thắng. Ông còn đảm nhiệm hàng loạt các chức vụ khác như Ủy viên Đoàn chủ tịch của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, thành viên Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam…

Bà Trần Hải Anh (1967: Đinh Mùi) – Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Dân (NCB)

tranhaianh-5326-1423901865.jpg

Bà Trần Hải Anh cam kết năm 2015 sẽ đưa Ngân hàng Quốc dân vào top 20 ngân hàng Việt Nam.

Gia nhập Ngân hàng Quốc dân đúng thời điểm nhà băng này tự tái cơ cấu năm 2013, bà Trần Hải Anh ban đầu giữ chức Chánh văn phòng Hội đồng quản trị kiêm Trưởng văn phòng Hội sở Miền Bắc. Nhưng chỉ sau gần một năm thích nghi với môi trường mới, bà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kể từ tháng 2/2014 và bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị tháng 10 cùng năm. Trước đó, bà Hải Anh đã có chục năm công tác tại ngân hàng Phương Nam (Southernbank) với cương vị cao nhất là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

“Đến năm 2015, NCB sẽ lọt vào top 20 các ngân hàng Việt Nam về quy mô tổng tài sản và phấn đầu lọt vào top 15 vào năm 2016”, bà Hải Anh phát biểu trong ngày chậm chức.

Hiện vị nữ tướng này nắm hơn 12,5 triệu cổ phần NCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,15%, cao nhất trong số các cổ đông nội bộ của ngân hàng.

Nguyễn Ngọc Mỹ (1991: Tân Mùi) – Phụ trách Alphanam Food

nguyen-ngoc-my-8601-1423901865.jpg

Nguyễn Ngọc Mỹ là một trong những doanh nhân 9x tiêu biểu.

Nguyễn Ngọc Mỹ là con gái ông chủ Tập đoàn Alphanam Nguyễn Tuấn Hải và cũng có sở hữu cá nhân 9,56 triệu cổ phiếu ALP (gần 5% vốn). Cô từng học tập 8 năm ở nước ngoài trước khi trở về Việt Nam vào năm 2013, thông thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung và Hàn.

Sau khi Alphanam tái cơ cấu và tập trung vào mảng nông nghiệp, thực phẩm, Ngọc Mỹ cùng anh trai được giao phụ trách Alphanam Food cũng như tham gia vào các dự án bất động sản lớn của gia đình do đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế. Ở tuổi 24 tuổi, vị nữ doanh nhân trẻ này còn ấp ủ một dự án kinh doanh của riêng về một hệ thống rạp chiếu phim tại các địa phương. Nguyễn Ngọc Mỹ vừa được Forbes bình chọn là một trong những gương mặt U30 tiêu biểu của Việt Nam.

Minh Châu

0913.756.339