Nhiều phiền hà nảy sinh khi bỏ con dấu doanh nghiệp

Từ ngày 1/7/2015, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ có hiệu lực. Do đó, ban soạn thảo đang gấp rút xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành để Luật sớm triển khai trong thực tế. Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định lần 3 tổ chức sáng nay (13/5), doanh nghiệp và các chuyên gia vẫn băn khoăn về nhiều vấn đề, đặc biệt là con dấu.

Khác với hai lần dự thảo trước, bản cập nhật mới nhất dành một chương riêng quy định việc quản lý và sử dụng con dấu. Với mục tiêu giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban Môi trưởng kinh doanh và Năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cho biết chi nhánh, văn phòng đại diện công ty có thể có con dấu hoặc không. “Điều nay sẽ cho phép doanh nghiệp chủ động về con dấu. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ cần cả chữ ký và con dấu để giao dịch, nhưng một số sự việc chỉ cần tới chữ ký”, vị này nói.

con-dau-doanh-nghiep-6628-1431504094.jpg

Doanh nghiệp cho rằng phải có con dấu bởi có nhiều văn bản phải ủy quyền cho cá nhân khác ký thay. Ảnh: DĐDN

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Tiến Lập – Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự cho hay quy định như trên chưa phản ánh rõ sắp tới doanh nghiệp có buộc phải có con dấu hay không. Đặc biệt, nếu Việt Nam tiến tới bỏ con dấu, sẽ có nhiều vấn đề đáng lo ngại phát sinh.

“Ở nhiều nước, con dấu thể hiện văn hóa lâu đời. Tại Việt Nam, nếu bỗng nhiên một ngày khi doanh nghiệp đi làm việc mà trong văn bản chỉ có chữ ký, không có con dấu thì rất khó để tin cậy độ xác thực. Lúc đó, có thể nảy sinh chuyện doanh nghiệp phải đến cơ quan công chức để xác thực chữ ký, hoặc phải mang theo đăng ký kinh doanh nhằm chứng minh”, ông Lập phản ánh. Thậm chí, vị luật sư này cho rằng nếu bỏ con dấu, các cơ quan công chứng, luật sư, công an sẽ có nhiều việc để làm hơn.

Về phía doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Dũng – đại diện Honda Việt Nam khẳng định phải có con dấu vì hiện nay công ty có quá nhiều văn bản phải ký, buộc người đại diện pháp luật phải ủy quyền cho nhiều cá nhân khác ký thay, và con dấu sẽ góp phần kiểm soát, chứng thực cho những chữ ký ủy quyền. “Hoàn cảnh của Honda Việt Nam cần phải có con dấu, không chỉ một mà phải hai”, ông Dũng phát biểu.

Mặt khác, luật sư Trần Vũ Hải lại cho rằng không có con dấu sẽ tạo sự thông thoáng cho hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như mua bán trên mạng chỉ cần trao đổi qua thư điện tử, tin nhắn… “Mấy năm nữa xã hội tiên tiến sẽ không cần đến con dấu”, ông Hải nhận xét.

Trước những tranh cãi trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng vẫn cần đế con dấu trong hoạt động kinh doanh, nhưng việc có sử dụng hay không thì do doanh nghiệp quyết định. Trường hợp không có con dấu, chỉ còn một cách ứng xử là doanh nghiệp phải làm cho hoạt động kinh doanh minh bạch, an toàn hơn.

Theo ban soạn thảo, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sẽ là văn bản duy nhất chỉ dẫn cho các đơn vị kinh doanh trong thời gian tới, không có một Thông tư nào hướng dẫn cụ thể cho những điều ghi trong Luật. “Thông tư chỉ quy định một việc, trong khi hoạt động kinh doanh thiên biến vạn trạng. Do vậy, phải cương quyết không có thông tư để giảm những phiền hà cho doanh nghiệp”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh.

Phương Linh

0913.756.339