Theo Hiệp hội Công nghiệp phân bón quốc tế (IFA), đến niên vụ 2018-2019, nhu cầu phân bón thế giới sẽ đạt tốc độ tăng bình quân 1,8% một năm và chạm mốc cao nhất từ trước tới nay là 200 triệu tấn.
Nhu cầu tăng, giá thành giảm
Xét trong ngắn hạn, năm nay, nhu cầu phân bón thế giới ước tính tăng xấp xỉ 2% (đạt 191 triệu tấn) trong đó Việt Nam cần khoảng 11 triệu tấn các loại. Cụ thể, nhu cầu phân NPK khoảng 4 triệu tấn, urê khoảng 2,2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn… Nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ tập trung ở Nam Bộ với 6,2 triệu tấn, chiếm 58% tổng nhu cầu tiêu thụ cả nước. Sau đó là khu vực Bắc Bộ với 2,6 triệu tấn và miền Trung là 1,97 triệu tấn.
Từ góc độ ngành, yếu tố ngắn hạn có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp là xu hướng lao dốc mạnh của giá dầu trong thời gian qua. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất phân tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm và cải thiện biên lợi nhuận.
Triển vọng cổ phiếu mới
Xem xét cơ hội đầu tư cổ phiếu trong ngành phân bón, các công ty chứng khoán đánh giá, hầu hết doanh nghiệp niêm yết đều có thương hiệu tốt và thị phần lớn, hoạt động kinh doanh khá ổn định với tỷ suất cổ tức hàng năm cao.
Năm nay, ngoài Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đã niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM từ tháng 3, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) cũng sẽ giao dịch vào ngày 7/10 tới đây. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với ngành phân bón.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cho biết, BFC đã niêm yết 47,64 triệu cổ phiếu trên HoSE từ ngày 27/8 và sẽ giao dịch với giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 30.000 đồng một cổ phiếu. Với biên độ giao dịch 20%, giá cổ phiếu sẽ giao dịch trong khoảng 24.000-36.000 đồng.
BFC có dòng sản phẩm phân hỗn hợp NPK chiếm phần lớn thị phần ngành phân bón nước ta. Đặc biệt, ở Nam bộ – vựa lương thực chính của cả nước, BFC luôn đứng đầu về sản lượng sản xuất cũng như doanh số phân NPK. Đồng thời, doanh nghiệp này còn có vị trí vững chắc tại thị trường Lào, Campuchia, Myanmar và đang tiếp tục mở rộng đến những thị trường khác.
Dù còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng đầu năm, BFC vẫn đạt doanh thu hợp nhất 3.128 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 156 tỷ đồng. Trong năm nay, Bình Điền đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 702.000 tấn, tổng doanh thu xấp xỉ 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 244 tỷ đồng và dự kiến chia tỷ lệ cổ tức ở mức 20%.
Với đội ngũ cán bộ gần 100 người có trình độ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và 300 công nhân lành nghề, Công ty Phân bón Bình Điền đang phát triển mạnh mẽ và là đơn vị tiên phong trong công tác xuất khẩu phân bón “Made in VietNam” ra các nước trong khu vực với bao bì in ấn bằng tiếng bản địa nên được nông dân nước bạn ưa chuộng. BFC cũng có Hội đồng Cố vấn khoa học kỹ thuật gồm các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về nông nghiệp; đồng thời có quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học để từ đó ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới vào sản phẩm phân bón của mình…
BFC luôn đa dạng về chủng loại sản phẩm. Đến nay, công ty có hơn 100 loại sản phẩm phù hợp với từng loại đất và thời kỳ sinh trưởng của cây trồng, phong phú về mẫu mã. Công ty có các loại sản phẩm chuyên dùng cho cây trồng như cây lúa, cà phê, cao su, mía, cây ăn trái, điều, rau – màu, chè, ngô, lạc… làm tăng năng suất và chất lượng nông sản. Các sản phẩm của công ty ngày càng được bổ sung về hàm lượng kỹ thuật, chất lượng ngày một hoàn thiện hơn để đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
(Nguồn: Công ty Phân bón Bình Điền)