Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa NDT vào cơ cấu Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) với tỷ lệ lớn hơn cả bảng Anh và yen Nhật. Giới quan sát cho rằng việc này đã giúp Bắc Kinh tiến gần hơn một bước trong quá trình thách thức sự thống trị của USD.
“NDT nhận được sự hỗ trợ của IMF, và tình hình hiện tại khá thuận lợi để Trung Quốc biến NDT thành đồng tiền dự trữ thực sự. NDT là đồng tiền duy nhất có khả năng thách thức USD, kể cả nếu Trung Quốc khiêm tốn, đây vẫn là sự thật không thể chối cãi”, Ding Yifan – nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Thế giới thuộc Trung tâm Nghiên cứu – Phát triển của Quốc hội Trung Quốc cho biết trên SCMP. Dù vậy, ông cũng thừa nhận để bắt kịp vị thế của USD, NDT sẽ phải mất hàng thập kỷ và dự đoán việc này có thể diễn ra vào năm 2050.
Forbes cũng có chung nhận xét này. Thoạt nhìn, sẽ chẳng ai ngạc nhiên nếu NDT được chọn làm tiền tệ dự trữ toàn cầu, do Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhì thế giới và là quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo NDT có thể cạnh tranh được với USD và Trung Quốc có thể thay đổi căn bản cách mà kinh tế thế giới đang vận hành. Nói cách khác, Nhật Bản cũng từng là nền kinh tế lớn nhì thế giới, nhưng đồng yen chưa bao giờ hạ bệ được đồng đôla.
NDT hôm qua đã được IMF chọn là tiền tệ dự trữ của thế giới. Ảnh: Hangthebanker |
Vì vậy, dù Mỹ có xảy ra khủng hoảng tài chính, đồng đôla vẫn chiếm gần hai phần ba dự trữ toàn cầu. Tương tự, dù eurozone gặp rắc rối suốt từ năm 2010, đồng tiền này vẫn đóng góp 20% dự trữ thế giới. Hai đồng tiền còn lại trong rổ SDR trước đây – yen Nhật và bảng Anh chỉ đóng góp mỗi loại gần 4%.
Đồng yen từng có thời đóng vai trò khá quan trọng, đặc biệt khi Nhật Bản còn là nền kinh tế lớn nhì thế giới. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ đạt đến vị trí thống trị như USD. Vì thế, dù yen là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất thế giới, nó không phải công cụ được ưa chuộng nhất khi cần tích trữ giá trị.
Chính vai trò này của USD đã giúp Mỹ có khả năng đi vay giá rẻ, khi nhà đầu tư toàn cầu chuộng tài sản niêm yết bằng đôla. Mỹ nhờ vậy cũng không phải trả phí chuyển đổi cho việc mua hàng hóa, do chúng được niêm yết bằng đồng bạc xanh. Giá trị tích trữ của USD đã giúp Mỹ có “đặc quyền quá lớn” – theo lời cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp – Valery Giscard d’Estaing. Đây chính là đặc điểm của trật tự kinh tế thế giới do Mỹ thống trị.
Một điều khác cần lưu ý là euro vẫn duy trì được thị phần trong dự trữ toàn cầu. Vị trí thứ 2 của họ phản ánh sự sẵn sàng tích trữ euro của nhà đầu tư, cũng như quy mô của eurozone trên toàn cầu – là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Để NDT trở thành công cụ tích trữ giá trị tương tự, nhà đầu tư cần cảm thấy chắc chắn đây là một tiền tệ ổn định với giá trị do thị trường quyết định, và Trung Quốc sẽ mở cửa tài chính thêm nữa. Họ cũng muốn thấy nước này tăng cường cải tổ, do lo ngại ngành ngân hàng vẫn bị nhà nước kiểm soát và thường xuyên có biến cố.
Tuy nhiên, về mặt nào đó, NDT cũng đã thách thức truyền thống khi trở thành tiền tệ dự trữ đầu tiên mà chưa được tự do chuyển đổi, dù đã được giao dịch phổ biến trên thế giới và gần đây còn vượt cả yen Nhật. Tuy nhiên, việc này có thể được khắc phục sau khi NDT gia nhập SDR và Trung Quốc tiếp tục tự do hóa tài khoản vốn.
Một điều đáng chú ý khác là Trung Quốc gần đây đã tự do hóa lãi suất. Trước đây, họ kiểm soát bằng lãi suất trần và sàn, với cả lãi tiết kiệm và cho vay. Đây là bước đi đáng kể hướng tới việc để thị trường quyết định lãi suất. Việc này cũng sẽ giúp tăng tính thị trường cho tỷ giá, do lãi suất là yếu tố chính quyết định giá tiền tệ.
Nếu việc này giúp giá NDT ổn định và Trung Quốc tiếp tục cải tổ tài chính theo hướng tăng niềm tin nhà đầu tư, Forbes cho rằng sẽ có ngày thị phần của NDT trong dự trữ toàn cầu có thể cạnh tranh với USD. Khi USD vượt bảng Anh, một trật tự kinh tế thế giới mới đã được thiết lập. Và nếu điều tương tự xảy ra giữa NDT và USD, một kỷ nguyên mới cũng sẽ được mở ra.
Hà Thu