Thông tin trên được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia công bố trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 9 tháng. Hợp đồng bảo hiểm nợ xấu (CDS) là một dạng bảo hiểm phòng ngừa người vay tiền không trả được nợ. Giá CDS càng cao, rủi ro vỡ nợ càng lớn. “Việc CDS tăng lên phần nào phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài đối với tình hình nợ công của Việt Nam”, Ủy ban đánh giá.
Tháng 8/2015, khối ngoại cũng đã bán ròng 4.600 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh phát hành giấy tờ có giá năm nay đang là một thách thức. Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 9 chỉ đạt 20%. Tính từ đầu năm, trái phiếu kỳ hạn 15 năm phát hành vượt kế hoạch, nhưng trái phiếu 5 năm và 10 năm lại chưa đi được một phần ba chặng đường.
“Vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2016, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn. Do đó, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016”, báo cáo cho hay.
Quản lý nợ công sẽ là thách thức trong năm 2016. |
Trước đó, báo cáo của Chính phủ đều khẳng định nợ công vẫn ở mức an toàn, ước tính gần 60% GDP tính tới cuối năm 2014. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán lại cho hay nợ công lên 66,4% GDP vào cuối năm ngoái, và ngưỡng nợ công phù hợp phải là 68% GDP.
Ngoài nợ công, Ủy ban Giám sát tài chính vẫn đánh giá cao sự ổn định của kinh tế Việt Nam. Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động trong quý III nhưng những biến động này không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,5%. Lạm phát thấp và ổn định trong suốt 7 tháng qua. Ủy ban Giám sát tài chính dự báo tăng trưởng cả năm sẽ khoảng 6,5%; lạm phát xuống dưới 2%.
Khu vực tài chính có những tín hiệu tích cực với tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, tín dụng tăng trưởng tốt. Thị trường cổ phiếu bình yên trở lại và nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng hơn 240 triệu USD từ đầu năm. “Nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng sẽ không gây tác động nhiều lên thị trường chứng khoán vì đã được thị trường dự báo và phản ánh vào giá”, cơ quan này cho biết.
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2016, Ủy ban cho hay xuất khẩu – trụ đỡ của nền kinh tế có khả năng tăng trưởng khá hơn nhờ tác động của các hiệp định thương mại. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ cơ hội từ dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) rút khỏi thị trường Trung Quốc, tìm đến những nền kinh tế đang phát triển ổn định hơn, bao gồm Việt Nam.
Tiêu dùng phục hồi tốt hơn nhờ lạm phát thấp và hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện. Chương trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế cùng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khó khăn trong khu vực doanh nghiệp vẫn còn. Phần lớn những doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản là doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng còn chậm.
Đặc biệt, những rủi ro của thị trường thế giới tiếp tục gây áp lực lên kinh tế Việt Nam. Khả năng FED tăng lãi suất vào cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016, mặc dù không tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam nhưng sẽ có ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường cũng như mục tiêu ổn định tỷ giá. Do đó, Ủy ban khuyến nghị các thông điệp chính sách cần rõ ràng, linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ giữa chính sách và hành động.
Phương Linh