Nhà đầu tư chờ đợi gì vào chính phủ mới Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất châu Á những ngày này. Và bà cũng có khả năng trở thành người đứng đầu Chính phủ mới tại Myanmar, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này. Tuy nhiên, các công ty đang hoạt động tại đây cho rằng quyền lực là chưa đủ giúp bà thu hút đầu tư cho Myanmar.

Dù nước này đã được thế giới quan tâm rất nhiều sau khi mở cửa năm 2010, nhiều doanh nghiệp Myanmar vẫn đang chật vật vì lạm phát 2 chữ số và cơ sở hạ tầng yếu kém. Đầu tư nước ngoài vào đây cũng đang giảm sút. Chính phủ Myanmar cho biết đã phê duyệt số dự án trị giá 3 tỷ USD trong nửa đầu tài khóa 2015. Con số này báo hiệu Myanmar sẽ khó đạt đầu tư 8 tỷ USD như trong tài khóa trước.

Các công ty như Coca Cola hay General Electric đều đã xây nhà máy tại đây, nhưng cũng từ chối đưa ra bình luận về môi trường kinh doanh của Myanmar. Nhiều công ty Mỹ cũng than thở trên Wall Street Journal rằng đầu tư vào đây bị hạn chế.

nha-dau-tu-cho-doi-gi-vao-chinh-phu-moi-myanmar

Myanmar đang muốn gây dựng lại ngành dệt may. Ảnh: MMbiztoday

“Chúng tôi muốn Chính phủ mới tiếp tục mở cửa, cải tổ, và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư”, Judy Benn – Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Myanmar cho biết.

Ngành dệt may – từng là nguồn xuất khẩu lớn và là niềm hy vọng hồi sinh của giới chức, thì nay lại đang bắt đầu sa thải lao động. Lương tối thiểu 2,8 USD một ngày, tương đương nước láng giềng Bangladesh, đang gây ra nhiều vấn đề cho các ngành công nghiệp tại đây.

Hiệp hội Dệt may Myanmar cho biết ngành này hiện có 250.000 nhân công, chiếm chưa đầy 1% dân số đang trong độ tuổi lao động (35 triệu người). Aung Win – Giám đốc Maple Trading – hãng sản xuất vải cho các thương hiệu thời trang Nhật Bản cho biết gần đây đã phải cắt giảm 500 – 700 lao động tại nhà máy gần Yangon, do cho phí nhân công, điện và vận chuyển tăng cao. Ông hy vọng chính quyền mới tại Myanmar sẽ thay đổi được việc này.

Đảng của bà Suu Kyi cho biết sẽ củng cố luật bất động sản, đất đai và hiện đại hóa ngành nông nghiệp Myanmar. Họ cũng cam kết Ngân hàng Trung ương sẽ được độc lập hoạt động, đồng thời giải quyết các vấn đề đang kìm hãm tăng trưởng, đặc biệt là về nguồn điện không ổn định.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng điều hành của bà Suu Kyi. “Chúng tôi muốn có một Chính phủ mới với quan điểm duy trì sự liên tục, chứ không phải có một kế hoạch hoàn toàn khác. Chúng tôi muốn những người chủ chốt trong Chính phủ được giữ nguyên, ít nhất là trong giai đoạn chuyển dịch này”, một cố vấn nước ngoài giấu tên cho biết trên Wall Street Journal.

Một chính phủ hoàn toàn mới sẽ là “kịch bản tồi tệ nhất”, bà Benn cho biết. Phép thử thực sự với Myanmar lúc này là liệu chính quyền mới có thể giúp đầu tư tăng tốc trở lại hay không, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất.

Bà Suu Kyi cho biết các ngành cần lao động như dệt may hay giày dép là cách nhanh nhất giúp tạo ra việc làm và cơ hội cho 51 triệu người dân Myanmar. Chúng cũng sẽ giúp nước này đa dạng, ngoài các ngành như nông nghiệp, khai thác khí đốt, xuất khẩu gỗ hay đá quý.

Dĩ nhiên, công việc này không hề dễ dàng. Vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp tại Myanmar, từ hàng không đến dầu mỏ và đá quý, là các ngành này bị kiểm soát hoặc có liên hệ đến chính quyền quân sự. Điều này đã khiến khiến các lĩnh vực trên bị Mỹ liệt vào danh sách đen, cấm công ty Mỹ có quan hệ làm ăn. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng Chính phủ mới có thể thuyết phục Mỹ gỡ bỏ các lệnh cấm còn lại.

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng, cũng là một vấn đề lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Myanmar là một trong những nước có tỷ lệ cấp điện thấp nhất thế giới, với chỉ một phần ba dân số được sử dụng. Các doanh nghiệp nước này thường phải chuyển sang máy phát chạy bằng dầu diesel đắt đỏ mỗi khi mất điện. Và việc mất điện cũng diễn ra rất thường xuyên

Myanmar cũng thiếu cảng biến nước sâu, khiến hàng hóa buộc phải vận chuyển qua các nước khác, như Singapore. Các tuyến đường bộ nối đến những thị trường quan trọng như Thái Lan hay Trung Quốc cũng thường xuyên quá tải.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi liệu Chính phủ mới sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào. Từ hơn một năm trước, Top Form International – một hãng dệt may tại Hong Kong (Trung Quốc) đã mở một nhà máy vệ tinh tại Myanmar, gần các cơ sở của mình ở Thái Lan. Họ đang đợi cơ sở hạ tầng tại Myanmar cải thiện trước khi lấn sân sang đây.

Dù vậy, ông Aung Win lại tỏ ra lạc quan hơn, rằng danh tiếng bà Suu Kyi trên thế giới sẽ giúp thu hút đầu tư cho Myanmar. “Rất nhiều công ty muốn có mác Made in Myanmar. Chúng tôi muốn nhận được những đơn hàng lớn từ các công ty như Gap và H&M”, ông nói. 

Hà Thu

0913.756.339