Tại hội thảo “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bảo hiểm – Hướng tới chuẩn mực quốc tế” ngày 14/12, lãnh đạo Cục quản lý bảo hiểm cho biết thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và phát triển mạnh. Đến nay, cả nước có 61 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm.
Theo vị này, năm 2015 dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 68.000 tỷ đồng, tăng 21,9% so với năm ngoài, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân trên 11% mỗi năm).
Năm 2015 dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt hơn 68.000 tỷ đồng. |
Lãnh đạo Cục quản lý bảo hiểm chia sẻ thêm, những năm qua, thị trường bảo hiểm có sự phát triển ổn định và tăng trưởng cao, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhất là về mặt quản trị doanh nghiệp. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nên thị trường cần phải thực hiện tái cơ cấu lại.
Chung quan điểm, ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc Công ty E&Y Việt Nam cũng chỉ ra những mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các phòng ban, chi nhánh khi không có sự phân cấp rõ rang, mô hình phân tán giao quyền cho các chi nhánh… Điều này làm tăng rủi ro trục lợi và rủi ro tuân thủ.
Ngoài ra, cũng thường xảy ra các sai phạm trong các hạch toán bồi thường. “Những thực trạng trên là do hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ mang thời gian qua còn mang tính hình thức, chưa thực chất”, ông nói.
Theo đó, công tác quản trị rủi ro còn thiếu sự giám sát của ban điều hành công ty, việc báo cáo về rủi ro không được chính thức hóa…
Để quản trị rủi ro, ông Bandara cho rằng tuỳ vào từng cá nhân lãnh đạo có khẩu vị về rủi ro như thế nào mà có những cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên, ông đưa ra một quy trình xử lý chung gồm 10 bước, và khi đó căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp mà có thể áp dụng trình tự những bước đó một cách khác nhau để góp phần quản trị rủi ro và nâng cao năng lực cho công ty.
Ông Prajeesh Mukudan, Phó tổng E&Y Việt Nam cũng chia sẻ, khi nói đến quản trị rủi ro không đơn thuần chỉ đề cập về quy mô số lượng người trong công ty là bao nhiêu, mà còn phải quan tâm đến những yếu tố tác động khác như cơ cấu vốn, rủi ro tỷ giá…
Hoài Thu