Akira Okomoto ngồi dậy và trèo ra khỏi chiếc quan tài. “Rất thoải mái,” ông nhận xét. Theo Bloomberg, cảnh tượng này diễn ra ở một quán cafe ở phía tây Tokyo nơi một nhóm người tụ tập lại để thử “trải nghiệm quan tài”, mà theo lời chủ quán Masumi Murata là sẽ giúp người ta “trân trọng từng ngày được sống và nhận ra thứ gì thực sự quan trọng” khi suy nghĩ về cái chết.
Trận động đất và sóng thần năm 2011 lấy đi mạng sống của hơn 15.000 người. Động đất nhẹ thường xuyên xảy ra ở Nhật Bản và nguy cơ thảm họa vẫn luôn thường trực. Thêm vào đó, Nhật Bản còn là một trong những quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới và ngày càng có nhiều người phải sống đơn độc. Tất cả những điều này khiến cái chết trở thành chủ đề quen thuộc nơi đây, thu hút lượng lớn các công ty bao gồm Aeon và Yahoo Japan lấn sân sang ngành công nghiệp phục vụ cho cái chết, gọi là shukatsu.
“Theo truyền thống, người ta thường được gia đình mai táng khi họ qua đời. Giờ đây, rất nhiều người lo lắng về việc sống một mình và bị xã hội cách ly. Thảm họa năm 2011 thêm một lần nữa khiến người ta nhận thấy rõ điều đó,” theo Akio Doteuchi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu NLI.
Ngành công nghiệp phục vụ cái chết phát triển tại Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg |
Một triển lãm hồi đầu tháng 12 đã thu hút được 220 công ty trong ngành công nghiệp cái chết và hơn 22.000 người tham quan, theo Mayumi Tominaga, phát ngôn viên của triển lãm. Sản phầm gồm có đá xây mộ, xe tang, khinh khí cầu mang tro, và còn có cả một cuộc thi thay quần áo tử thi dành cho người hành nghề khâm liệm.
“Các dịch vụ shukatsu sẽ ngày càng đa dạng do người dân đang tìm kiếm nhiều lựa chọn để thu xếp hậu sự cho mình,” Takuji Mitsuda, Giám đốc tư vấn quản lý của Funia Soken Inc nói. Ông ước tính ngành này đang có quy mô khoảng 2.000 tỷ yên (16,5 tỷ USD).
Yahoo Japan năm ngoái đã cho ra mắt Yahoo Ending, dịch vụ cho phép người dùng xử lý dữ liệu online, tài liệu và ảnh theo ý nguyện, cũng như gửi e-mail lưu trữ trên Yahoo server cho gia đình và bạn bè sau khi mình chết. Có hàng nghìn người trả 180 yen mỗi tháng để duy trì dịch vụ này, chủ yếu trong độ tuổi 30 và 40, theo Shinsuke Takahashi, chủ nhiệm dự án.
Công ty văn phòng phẩm Kokuyo đã bán khoảng nửa triệu sổ “trăng trối” từ cuối năm 2010, theo Hiromi Waki. Người ta dùng nó để ghi lại số tài khoản ngân hàng và những thông tin cần thiết khác và để ở nơi người thân có thể tìm thấy.
Mitsubishi UFJ Trust and Banking Corp. cho biết số người lập tài khoản để nhận tiền sau khi qua đời tăng 26% trong vòng 5 năm qua. Công ty này bắt đầu phát sổ “trăng trối” cho người dùng từ hai năm trước nhằm giúp họ lên kế hoạch chi tiết về việc thừa kế tài sản và cung cấp thông tin gia đình, theo Toshihiko Taniguchi, giám đốc quản lý tài sản ủy thác.
Sổ trăng trối cũng dần trở nên phổ biến với người già. Khu chung cư Tokiwadaira Danchi tại Chiba có 44% dân số trong tổng 5.300 hộ gia đình là trên 65 tuổi. Số người sống một mình không nhỏ nên quản lý chung cư đã yêu cầu người dân viết thông tin cá nhân và yêu cầu chi tiết về tang lễ hay các biện pháp y tế trong trường hợp họ mất khả năng giao tiếp. “Bằng cách này tôi sẽ tránh khỏi trở thành rắc rối cho người khác,” Tatsuo Miyauchi, 87 tuổi, không con cái, sống một mình suốt 18 năm từ khi vợ ông qua đời cho biết. Ông còn chuẩn bị sẵn ảnh thờ cho mình và kẹp nó vào sổ trăng trối.
Dân số già nhanh đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử hàng năm được dự đoán sẽ tăng 27% tới con số 1,67 triệu năm 2040, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội.
Ngoài dịch vụ rải tro và thử quan tài, quán cafe có tên Blue Ocean còn cung cấp dịch vụ như nén tro vào trang sức kim cương. Sự kiện quan tài được tổ chức hai tháng một lần thu hút hàng chục người tham gia.
Aeon, ngoài 100 sự kiện hội thảo về cái chết mỗi năm, cũng cung cấp dịch vụ thử quan tài và còn bán cả các gói lễ tang với giá vào khoảng 500.000 yên cho những người già muốn tự lo trước hậu sự. CEO Hirohara cho rằng, người ta sẽ cảm thấy yên lòng khi mọi thứ đã được thu xếp xong xuôi và an tâm tận hưởng nốt quãng đời còn lại.
Khoảng 80.000 người đã đăng ký dịch vụ lo hậu sự của Aeon, tăng 10.000 kể từ giữa năm ngoái, theo phát ngôn viên. Cổ phiếu công ty nhờ đó cũng tăng 35% trong vòng 2 năm qua.
Emi Takamura, 59 tuổi, vừa cùng chồng tham dự một buổi thử quan tài gần đây của Aeon, với lý do họ cũng “không còn quá xa” cái chết thực sự nữa. Khi nằm thử vào chiếc quan tài và cảm nhận cái chết rõ hơn bao giờ hết, bà chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến người thân và bạn bè qua đời đột ngột khi còn rất trẻ. Trước đây tôi nghĩ Shukatsu chỉ có mục đích là chuẩn bị cho cái chết, nhưng giờ tôi hiểu được nó còn giúp bạn trân trọng những tháng ngày còn lại của cuộc đời”.
Hà Tường