Ngành chăn nuôi ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài

Theo kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp vừa công bố, trong 10 năm qua, cấu trúc ngành chăn nuôi Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng với xu hướng chuyển từ mô hình nhỏ sang trang trại quy mô lớn. Điều này khiến cho biến động giá thức ăn chăn nuôi ngày càng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu cho biết, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số công ty FDI. Các doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá lỏng lẻo, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước.

Theo đó Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đang chiếm thị phần cao nhất trong sản xuất thức ăn gia súc tại Việt Nam, ở mức 19.42%. Tiếp đến là Công ty TNHH Cargill Việt Nam khoảng 8,11%, Công ty Proconco là 7,51%, còn lại thuộc về ANT, Greenfeed, AnCo, Japfa.

Bên cạnh đó dịch vụ thú ý cũng bị chi phối bởi các công ty tư nhân dẫn đến nguy cơ thị trường bị thiên lệch tạo ra quá nhiều loại thuốc giá đắt và gây thiệt hại cho nông dân. Chưa kể đến hệ thống giết mổ, phân phối thịt, nhập lậu thịt chất lượng kém… là những mối đe dọa đến sự phát triển của ngành.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Giáp, Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng cần có biện pháp phá vỡ thế độc quyền và tạo ra khả năng kiểm soát thị trường của một số công ty trong nước nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.

Theo ông Giáp, mặc dù thống kê cho thấy các hộ chăn nuôi nhỏ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trên mức đầu tư, nhưng rủi ro đến với người chăn nuôi nhỏ càng tăng do ảnh hưởng của giá thức ăn, dịch bệnh và giá bán trong khi các chính sách hiện hành chủ yếu hỗ trợ và thúc đẩy chăn nuôi quy mô lớn và không có tác động nhiều đến người chăn nuôi nhỏ.

“Chiến lược ngành chăn nuôi của Việt Nam cần xác định rõ vị trí và mối quan hệ giữa chăn nuôi quy mô nhỏ và lớn. Quy mô đa dạng sẽ nâng cao lợi ích và giảm rủi ro cho người nông dân”, ông Giáp nói. Do đó chính sách không thể bỏ ngỏ một đối tượng chiếm tỷ trọng chủ đạo trong ngành là người chăn nuôi nhỏ như hiện nay.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn đề xuất xây dựng chiến lược và quy hoạch chăn nuôi hoàn chỉnh cho cả nước, kiểm soát nhập lậu sản phẩm thịt qua biên giới theo đường tiểu ngạch, siết chặt vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại hệ thống giết mổ, phân phối sản phẩm thịt.

Thành Tâm

0913.756.339