Ngân hàng lãi ngoài dự kiến

Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM – Nguyễn Hoàng Minh cho biết dù chưa có con số thống kê cuối cùng về lợi nhuận (sau trích lập dự phòng rủi ro) song nếu dựa trên chênh lệch thu nhập và chi phí, bức tranh năm 2014 đã khả quan hơn trước.

tin-dung-5160-1421117021.jpg

Đầu tư trái phiếu là kênh sinh lời hữu hiệu cho các ngân hàng trong năm 2014.

Tại khối nhà băng có cổ phần Nhà nước chi phối, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) tạm dẫn đầu với mức lãi trước thuế 6.065 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013 và vượt mục tiêu được đại hội đồng cổ đông thông qua (6.000 tỷ đồng).

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS), đơn vị có quan hệ mật thiết với Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho hay, năm qua nhà băng này ước đạt 5.680 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2% so với năm ngoái và cao hơn mức 5.500 tỷ đã đề ra. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), dù đang trong quá trình tái cơ cấu song năm 2014 cũng lãi trước thuế hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013 và đạt 101% kế hoạch.

Ở khối cổ phần, một số ngân hàng cũng cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn thương tín (Sacombank) thông tin nhà băng khả năng đạt 100% kế hoạch đã đề ra (3.000 tỷ đồng). TPBank cũng báo cáo lợi nhuận trước thuế năm 2015 lên tới 536 tỷ đồng, vượt 22% mục tiêu.

Trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm từ đầu năm, nợ xấu vẫn phải xử lý bằng trích lập dự phòng thì việc nhà băng đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra là điều không dễ dàng. “Việc trích lập dự phòng, hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những năm trước, thông tin về chia thưởng rất nhiều, nhưng những năm qua hầu như không có”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng khả quan hơn đã hỗ trợ lớn cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng năm nay. Thực tế, những ngân hàng về đích vượt kế hoạch năm 2014 đều là những tổ chức có tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung toàn ngành (13%). Dư nợ của BIDV đạt trên 461.000 tỷ đồng, tăng gần 19%. Vietcombank được ước tính cho vay khách hàng tăng 18%, khiến thu nhập lãi tăng 13% so với năm ngoái.

Không đặt mục tiêu tham vọng để tập trung củng bố bộ máy, song lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng đã hoàn hành các chỉ tiêu tín dụng. Tổng dư nợ cho vay của nhà băng đến 31/12/2014 đạt hơn 605.000 tỷ đồng, tăng 8,8% – đạt mục tiêu đã đề ra, trong đó, cho vay hộ sản xuất và cá nhân tăng hơn 13%, tương đương với mức tăng chung. Còn với TPBank, tín dụng tăng tới 50%, cao gấp 4 lần so với mức tăng của ngành.

Có thể thấy, tình hình cho vay cải thiện từ các “ông lớn” quốc doanh vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn hệ thống. Nhóm phân tích của VCBS nhận định, với việc các dự án dầu khí, điện và giao thông được giải ngân mạnh trong năm qua, tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn tín dụng của khối ngân hàng cổ phần Nhà nước luôn ở mức cao nhất hệ thống.

Do đó, dù lãi suất năm 2014 tiếp tục trong xu hướng giảm, nhưng hầu như các nhà băng đã không bị ảnh hưởng nhiều. Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi nhuận của một số nhà băng tăng cao trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn là điều đáng mừng. “Lợi nhuận là kết quả của hai hoạt động thu và chi. Có thể họ đã cắt giảm chi phí rất tốt hoặc có những nguồn thu từ nguồn vốn khác và dịch vụ để bù đắp cho sự thiếu hụt và giảm lợi nhuận của tín dụng”, ông nói. 

Ngoài ra, tín dụng ngoại tệ cũng là một “cứu cánh” cho tình hình cho vay, trong bối cảnh lãi suất USD ở mức hấp dẫn so với tiền đồng, tỷ giá ổn định và Ngân hàng Nhà nước có tín hiệu nới lỏng cho vay ngoại tệ để thúc đẩy tăng trưởng khi tiếp tục để doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và xuất khẩu được vay ngoại tệ hết năm 2015. Đến ngày 22/9, tín dụng toàn ngành kinh tế mới tăng 6,6% so với cuối năm 2013, song tín dụng bằng ngoại tệ đã tăng tới hơn 20,7%.

Nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn có sự đóng góp từ hoạt động dịch vụ khởi sắc và chi phí dự phòng rủi ro giảm bớt. Đến 31/12/2014, tổng thu dịch vụ của Agribank đạt 2.877 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cuối năm 2013, hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó nhóm dịch vụ thẻ tăng 47%.

Tại Vietcombank, tỷ trọng thu nhập ngoài thu nhập lãi thuần cũng ở mức 31%, với điểm sáng từ hoạt động dịch vụ khi đạt 1.038 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro ước tính ở mức trên 4.500 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch của ngân hàng (5.000 tỷ đồng).

Đặc biệt, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, tức giá trái phiếu tăng lên, các ngân hàng nắm giữ loại giấy tờ có giá này cũng thu lợi lớn. Ước tính của công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn trên thị trường trái phiếu cho thấy, gần 30% tín dụng tăng thêm là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và các nhà băng nắm giữ khoảng 80% trái phiếu phát hành mới. Đại diện Agribank cho biết, năm qua, lãi từ hoạt động kinh doanh vốn, đầu tư giấy tờ có giá tăng tới 40% so với năm 2013.

“Mặt bằng lợi suất giảm, các ngân hàng mua vào ở thời điểm trước đó sẽ được hưởng lợi nhuận từ kinh doanh chênh lệch giá. Hoạt động chốt lời để phản ánh lợi nhuận từ mua bán trái phiếu vào hoạt động kinh doanh chung theo thông lệ sẽ diễn ra vào cuối quý IV”, công ty chứng khoán này đánh giá.

Lệ Chi – Phương Linh

0913.756.339