Ngân hàng có tài sản 100.000 tỷ đồng mới được lập công ty tài chính

Thông tư 30 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 8/2/2016. Theo đó, thời gian hoạt động của các công ty tài chính, cho thuê tài chính theo quy định này có thời hạn tối đa là 50 năm.

Theo đó, Thông tư quy định, để tham gia là cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các nhà băng Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện như có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động trong năm liền kề trước năm nộp hồ xin cấp giấy phép…

ngan-hang-co-tai-san-100000-ty-dong-moi-duoc-lap-cong-ty-tai-chinh

Ngân hàng muốn cho vay trả góp phải lập công ty tài chính.

Trường hợp tham gia làm thành viên sáng lập của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì ngoài các điều kiện trên, các nhà băng Việt Nam còn phải đáp ứng các điều kiện như chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, cam kết hỗ trợ về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng gặp khó về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản…

Ngoài ra, các ngân hàng này không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam…

Trường hợp là các ngân hàng nước ngoài, để tham gia làm thành viên sáng lập công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thì phải kinh doanh có lãi trong 3 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp giấy phép; có tổng tài sản trên 10 tỷ USD (khoảng 225.000 tỷ đồng) vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nước ngoài này phải được cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác… Đặc biệt, các tổ chức này không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của các ngân hàng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Trong mùa đại hội cổ đông 2015 vừa qua, hàng loạt ngân hàng xin ý kiến cổ đông thành lập công ty tài chính. BIDV trình xin kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng với ba phương án là mua lại một công ty tài chính đang hoạt động hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện được hai phương án trên, BIDV sẽ thành lập mới công ty tài chính. VietinBank cũng tham gia làn sóng này. Với kế hoạch sáp nhập PGBank, VietinBank sẽ chuyển một phần PGBank thành Công ty tài chính PG Finance.

Ở khối cổ phần, ACB dự kiến thành lập công ty tài chính với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán. Sau khi Công ty tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê tài chính (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép Ngân hàng Nhà nước sáp nhập vào đơn vị này. Hiện nay, vốn điều lệ của ACB Leasing là 200 tỷ đồng, để thành lập công ty tài chính, ACB phải cấp thêm vốn điều lệ là 300 tỷ.

Tương tự, Sacombank, Nam A Bank, OCB, DongA Bank… cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính với vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhằm mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Hoài Thu

0913.756.339