Ngày 23/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có buổi làm việc trực tiếp đầu tiên với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nhằm lắng nghe hoài bão, các dự án, ý tưởng cũng như vướng mắc của doanh nhân trong việc tiếp cận nguồn vốn, từ đó có phương án giải quyết phù hợp.
“Ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trẻ và trăn trở với những khó khăn vướng mắc để đưa ra cơ chế chính sách tín dụng phù hợp”, Thống đốc phát biểu. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp như cho vay tín chấp, hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết, dự án ứng dụng công nghệ cao… giúp những doanh nhân trẻ tiếp cận được vốn, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh.
Thống đốc làm việc trực tiếp với doanh nhân trẻ tại Thanh Hóa. |
Thời gian tới, Thống đốc cam kết tiếp tục lắng nghe kiến nghị của các doanh nhân để có sự điều chỉnh kịp thời. “Hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp trẻ, không để một ý tưởng kinh doanh hiệu quả nào thiếu vốn để đầu tư sản xuất”, người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định.
Những dự án tốt, doanh nghiệp chứng minh được dòng tiền, doanh thu ổn định, làm ăn bài bản và có hiệu quả sẽ được các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn để đầu tư sản xuất, kể cả hình thức tín chấp. “Tôi khẳng định doanh nghiệp nào làm tốt thì ngân hàng xếp ở cửa, thậm chí còn săn đón để mời chào họ trở thành khách của mình”, Thống đốc nói.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty Cửa sổ nhựa châu Âu (Eurowindow) đánh giá cao chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, đặc biệt là điều hành tỷ giá, lãi suất. “Tỷ giá ổn định, lãi suất giảm giúp doanh nghiệp chúng tôi thuận lợi và chủ động trong hoạch định và triển khai kế hoạch kinh doanh, đồng thời tiết giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường”, vị này phát biểu.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Bùi Văn Quân nhận định việc lãi suất giảm từ trên 20% xuống chỉ còn 8-9% một năm là “cứu cánh” cho doanh nghiệp. Dự trữ ngoại hối tăng cao, tỷ giá ổn định cùng với chính sách giãn nợ cũng đáng khích lệ. “Việc giãn nợ là ưu đãi lớn, nếu không nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa”, ông Quân cho hay.
Do đó, vị này đề xuất Thống đốc thường xuyên có các buổi tiếp xúc trực tiếp với hội, ít nhất 2 lần trong năm để có thể lắng nghe hết những kiến nghị và có chỉ đạo phù hợp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Được thành lập năm 1993 với vài chục thành viên, đến nay Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã có mạng lưới tại 63 tỉnh, thành phố và 4 ngành kinh tế trọng điểm của nhà nước với gần 10.000 hội viên. Các doanh nghiệp hội viên đã tạo việc làm cho trên 2,5 triệu lao động, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 25 tỷ USD.
Phương Linh