Metro Cash & Carry Việt Nam mới nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ trong suốt 13 năm hoạt động. |
Metro Cash & Carry Việt Nam thành lập từ năm 2001, hoạt động từ năm 2002 và đến nay có 19 trung tâm trên toàn quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, đến cuối năm 2014, sau 13 năm hoạt động, công ty con của Tập đoàn Metro (Đức) mới kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước 1.015 tỷ đồng. Con số này chỉ tương đương thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình hằng năm của một ngân hàng quốc doanh Việt Nam.
Đáng chú ý, trong hơn 1.000 tỷ đồng nêu trên, chỉ có khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thay nhà thầu nước ngoài chứ bản thân Metro Việt Nam chưa nộp đồng thuế thu nhập nào. Tính chi tiết, Metro Cash & Carry đã nộp 260 tỷ thuế thu nhập cá nhân, 370 tỷ thuế Giá trị gia tăng (VAT), hơn 258 tỷ thuế môn bài, thuê mặt đất mặt nước, sử dụng đất phi nông nghiệp…
Trong hơn 507 tỷ đồng được cơ quan thanh tra thuế yêu cầu Metro nộp ngân sách mới đây có 62 tỷ là khoản điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài cho các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho Metro Cash & Carry Đức thanh toán với nhân viên ngoại làm ở Việt Nam; 110 tỷ điều chỉnh giảm khấu trừ thuế VAT đầu vào với thu hỗ trợ quảng cáo tiếp thị. Đồng thời, cơ quan thuế cũng điều chỉnh giảm lỗ 335 tỷ đồng với khoản chi phí nhượng quyền thương mại không phục vụ sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho… |
Trong khi đó, giai đoạn 2002-2013, đơn vị liên tục kê khai lỗ tại tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng. Riêng năm 2010 doanh nghiệp này có lãi 173 tỷ. Tổng cục Thuế cho biết đến hết năm 2011, sau 4 lần thanh tra, tổng thời gian 9 năm (2003-2011), cơ quan này đã điều chỉnh giảm lỗ của Metro hơn 500 tỷ đồng.
Ngành thuế cũng xác định Metro Việt Nam lãi 2 năm (2010, 2011) với số tiền 234,8 tỷ đồng, số tiền lãi này được bù vào số lỗ của các năm (năm 2005: 73,3 tỷ; Năm 2006: 84,6 tỷ; Năm 2007: 76,9 tỷ).
Giai đoạn 2002-2013, Metro Cash & Carry Việt Nam liên tục đầu tư mở rộng, đặc biệt trong một thời gian ngắn, từ năm 2010 đến năm 2012, đơn vị này mở thêm 10 trung tâm. Trong điều kiện hoạt động bình thường, cơ quan thuế đánh giá một trung tâm mới cần 3-5 năm từ ngày khai trương để đạt đạt được điểm hòa vốn. Tuy nhiên, các chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất rất lớn chính là nguyên nhân chính gây ra các khoản lỗ cho trung tâm mới thành lập của Metro.
Theo kết quả thanh tra, doanh nghiệp này lỗ liên tiếp một phần còn do phải bỏ chi phí lớn đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an ninh cho 19 trung tâm theo tiêu chuẩn của Đức.
Dù Metro Việt Nam nộp thuế không nhiều nhưng cơ quan thanh tra thuế vẫn ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp FDI này. Theo đó, cơ cấu hàng hóa tại các trung tâm Metro cho thấy, khoảng 95% hàng mua từ nhà cung cấp tại Việt Nam. Trong số 5% hàng nhập khẩu thì phần lớn không đến từ các công ty liên kết, trong đó có lượng tài sản cố định nhập từ Đức, Singapore, Indonesia, Trung Quốc…
Xu hướng nhập số tài sản cố định của các trung tâm cũng ngày càng giảm đi. Năm 2002, chiếm tỷ lệ 29,2% trên tổng doanh số mua vào thì đến năm 2013 chỉ còn chiếm 0,2% và hoàn toàn không còn vào năm 2014. “Điều này khẳng định Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam là một đơn vị chủ yếu kinh doanh hàng Việt Nam, giúp cho các nhà cung cấp nội địa có thị phần trong nước”, Tổng cục Thuế cho biết.
Với 19 trung tâm, Metro Cash & Carry Việt Nam giải quyết công ăn việc làm cho gần 4.000 lao động Việt Nam. Số liệu cho thấy, năm 2012 có 3.965 người, năm 2013 là 3.770 người. Tuy nhiên, con số việc làm này không phải là cao nếu so sánh với một số doanh nghiệp cùng ngành, chẳng hạn như Big C Việt Nam hiện có 26 siêu thị, hơn 8.000 nhân viên.
Thanh Thanh Lan