Theo bản tin thị trường lao động quý II/2015, thu nhập bình quân của người Việt Nam hiện nay là 4,46 triệu đồng một tháng, giảm 430.000 đồng so với quý I/2015. Lý do sụt giảm là tại thời điểm khảo sát đầu năm, người lao động có các khoản thưởng, bổ sung vào dịp Tết và tác động của chính sách tăng tiền lương tối thiểu vùng. Sau Tết, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng ít quay trở lại nhà máy mà một phần đi tìm việc khác. Lao động dịch chuyển kéo theo tổng thu nhập bình quân thay đổi.
Tính theo hình thức sở hữu, mức lương của lao động ở doanh nghiệp Nhà nước đang dẫn đầu với 6,15 triệu đồng, thấp nhất là khu vực hợp tác xã với 2,84 triệu đồng. Tính theo nhóm nghề thì lãnh đạo có thu nhập cao nhất (7,3 triệu đồng), thấp nhất là lao động giản đơn (3 triệu đồng).
Nhìn chung trong quý II, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương giảm 435.000 đồng (8,9%), lao động nữ có thu nhập thấp hơn nhưng mức giảm lại cao hơn nam (tương ứng 576.000 đồng và 334.000 đồng). Thu nhập theo ngành nghề đều giảm. Nếu tính theo hình thức sở hữu thì thu nhập của lao động trong doanh nghiệp Nhà nước có mức giảm cao nhất, khoảng 700.000 đồng (10%) so với quý I/2015.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và xã hội cho biết, từ trước đến nay, hai khu vực có tiền lương cao nhất là doanh nghiệp nhà nước và FDI. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thu nhập bình quân của doanh nghiệp Nhà nước đều vượt FDI. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, nằm ở các thành phố trọng điểm, có mức lương tối thiểu cao nên thu nhập bình quân cao nhất là điều dễ hiểu. Nếu xét ở góc độ phân bố nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, thì đây là khu vực lao động có bằng cấp, tay nghề cao. Do vậy, tiền lương phải theo song song với trình độ.
Bà Lan Hương cũng cho rằng, cần phải loại bỏ độc quyền trong mô hình xác định tiền lương của doanh nghiệp nhà nước. Bởi theo công thức hiện nay thì tiền lương đang được tính bằng chi phí nhân với tổng sản phẩm. Tổng sản phẩm tăng lên thì tiền lương tăng, mà tổng sản phẩm chịu nhiều yếu tố tác động: được nhà nước đầu tư, giá lên… Tổng sản phẩm tăng nhưng chưa chắc hiệu quả đã tăng. “Thị trường lành mạnh thì lương của doanh nghiệp nhà nước ở mức cao nhưng phải trên thực chất”, vị này nhận xét.
Thu nhập bình quân của lao động theo loại hình doanh nghiệp
(Quý II/2015)
Đơn vị: triệu đồng
Khu vực | Mức lương |
Doanh nghiệp nhà nước | 6,15 |
Khu vực nước ngoài | 5,09 |
Doanh nghiệp ngoài nhà nước | 4,99 |
Cá thể | 3,66 |
Hợp tác xã | 2,84 |
Phương Hòa