Trao đổi với VnExpress hôm nay (20/11) từ Philippines, Thứ trưởng Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam – Trần Quốc Khánh cho hay bên lề hội nghị cấp cao APEC đang diễn ra tại thủ đô nước này, lãnh đạo các nước TPP đã có các phiên thảo luận để sớm ký kết chính thức hiệp định. “Chúng tôi đã thảo luận về quy trình nội bộ của từng nước để tiến tới việc ký kết và phê chuẩn”, ông Khánh thông tin.
Theo vị Thứ trưởng, dù vẫn chưa có quyết định cụ thể nào về thời điểm ký kết chính thức nhưng ông lạc quan việc này sẽ chỉ là “vấn đề thời gian” bởi hầu như không còn trở ngại nào, trong khi lãnh đạo các nước thành viên đều mong muốn sớm hoàn tất quá trình này và đang nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết.
Lãnh đạo các nước TPP trong ngày kết thúc đàm phán tại Mỹ hôm 5/10. Ảnh: USTR |
Trước đó một ngày, Báo Công Thương dẫn nguồn báo chí nước ngoài cho hay các nguyên thủ của 12 nước thành viên đang nhóm họp tại thủ đô Manila của Philippines đã nhóm họp và nhất trí sẽ tổ chức lễ ký kết chính thức Hiệp định TPP vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand. Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương cho biết các bên cũng đưa ra lộ trình để hiệp định đi vào hiệu lực là 2 năm sau ngày ký kết. Ngoài ra, các vị nguyên thủ cũng cam kết sẽ tập trung mọi nỗ lực cần thiết để quốc hội các nước thành viên sớm phê chuẩn hiệp định.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết ngày ký kết chính thức vẫn chưa được chốt. Trước đó, quá trình đàm phán đã kết thúc ngày 5/10 tại Mỹ, mở đường cho một trong những hiệp định thương mại tự do lớn và tiên tiến nhất thế giới.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia – Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, hiệp định sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.
Chí Hiếu