Theo khảo sát đầu tháng này của hãng tư vấn, kiểm toán KPMG, 90% lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho biết doanh thu của họ tại các thị trường mới nổi và tăng trưởng nhanh (HGEM) đang tăng lên. Họ cũng kỳ vọng số liệu này tiếp tục lên cao trong những tháng tới.
So với khảo sát năm 2013, tỷ lệ lãnh đạo tỏ ra lạc quan như trên đã tăng thêm 13%. Bên cạnh đó, dù việc thâm nhập các thị trường mới còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh.
Báo cáo đã chỉ ra các lãnh đạo nhận thấy phải thâm nhập những thị trường sơ khai mới, như châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông. Nếu không, họ sẽ bỏ lỡ cơ hội kiếm lời tại đây. Nigeria, Kenya, Myanmar, Việt Nam, Ảrập Xêút, Argentina và các nước mới nổi khác đều đang trong tầm ngắm của doanh nghiệp Mỹ.
Việt Nam nằm trong top đầu dự định đầu tư của các công ty Mỹ. Ảnh: KPMG |
“Các thị trường HGEM đang dần leo lên vị trí ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Nhiều công ty đã bắt đầu mở rộng ra ngoài nhóm nước mới nổi BRIC. Với tốc độ tăng trưởng 6%-7% trong các năm tới, các thị trường sơ khai như Việt Nam, Nigeria, Ấn Độ…sẽ hấp dẫn đầu tư”, Mark Barnes – Giám đốc mảng các thị trường tăng trưởng nhanh tại KPMG Mỹ cho biết.
Tính trung bình, các lãnh đạo năm nay dự kiến gần một phần tư doanh thu toàn cầu sẽ đến từ các thị trường HGEM. Tỷ lệ này đã tăng đều từ năm ngoái.
Khi được hỏi về thị trường HGEM dự định đầu tư trên 5 triệu USD trong 12 tháng tới, 9% doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với 4% năm ngoái. Các nước dẫn đầu là Trung Quốc (30%), Brazil (22%) và Ấn Độ (17%).
Bên cạnh đó, 86% lãnh đạo tham gia khảo sát cho biết có kế hoạch đầu tư hơn 5 triệu USD vào các nước HGEM trong 12 tháng tới. 76% dự định tăng vốn tại các thị trường này, tăng 7% so với năm ngoái. Cụ thể, gần 65% các khoản đầu tư sẽ được rót vào các hoạt động tăng trưởng cao, với 37% chảy vào các nước mới nổi.
Về loại hình đầu tư, 45% công ty chọn liên doanh, 43% chuộng mua bán – sáp nhập và chỉ 25% muốn bỏ vốn trực tiếp xây cơ sở mới. Cả ba số liệu này đều tăng so với năm ngoái.
Dù vậy, để thành công, các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn phải giải quyết rất nhiều khó khăn về văn hóa, cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng của Chính phủ lên nền kinh tế. Tại Việt Nam, các thách thức được đánh giá ở mức lớn là văn hóa-ngôn ngữ, cơ sở hạ tầng, vai trò của Chính phủ, tham nhũng-hối lộ, chính sách, chuỗi cung ứng, thuế và thiếu nhân lực chất lượng cao.
Hà Thu