Kinh tế Việt Nam vật vã đi lên

Khai mạc sáng nay tại Ninh Bình, Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức thường niên và là một trong những sự kiện được giới chuyên gia trông đợi để phân tích, mổ xẻ tình hình kinh tế, phản biện chính sách, từ đó kiến nghị các giải pháp. Diễn đàn dành gần nửa thời gian để bàn về tình hình 2014-2015, trước khi đi sâu hơn vào đánh giá tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2012-2014.

GDP-0-8131-1411780002.jpg

Tổng cầu yếu là trở lực lớn với kinh tế Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa: Anh Quân

Tham luận với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2015” của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển là phần đề dẫn quan trọng cho tuyến nội dung của diễn đàn, trong đó ông nhận định nền kinh tế đã thoát đáy song đang “vật vã để đi lên” khi mà tổng cầu còn yếu, nợ xấu không được giải quyết hiệu quả và đang có xu hướng tăng lên, tín dụng nhỏ giọt.

Nửa đầu năm 2014, tăng trưởng GDP cao hơn so với cùng kỳ 2013, lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7%; xuất khẩu tăng gần 15% giúp cán cân thương mại thặng dư khoảng 1,3 tỷ USD; tổng đầu tư toàn xã hội, doanh số bán lẻ… đều có tăng trưởng; ngân sách dự báo đạt kế hoạch đề ra…

Tuy nhiên, ông Tuyển và các chuyên gia đều cho rằng nội lực của doanh nghiệp vẫn rất yếu, chỉ số quản trị mua hàng PMI trên ngưỡng trung bình 50 nhưng đang giảm 4 tháng liên tiếp. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng yếu đi thể hiện ở tỷ trọng xuất khẩu giảm. Hệ thống phân phối đang bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Khối FDI hiện đã chiếm tỷ trọng gần 70% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

Tình hình kinh tế 6 tháng và mục tiêu 2014

  Chỉ tiêu 2014 Thực hiện 6 tháng
1. Tốc độ tăng GDP (%) 5,8 5,18
Nông nghiệp   2,96
Công nghiệp & Xây dựng   5,33
Dịch vụ   6,01
2. Lạm phát (%) 7 1,38
3. Tăng trưởng tín dụng 12-14% 4,5% (tính đến 26/8)
4. Xuất – nhập khẩu    
Xuất khẩu Tăng 10% Tăng 14,9% so cùng kỳ
Nhập khẩu   Tăng 11% so cùng kỳ
Chênh lệch   +1,3 tỷ USD (1,7% XK)
5. Thu – chi nhân sách    
Thu ngân sách   48,25% dự toán (đến 15/6)
Chi ngân sách   44,6% dự toán (đến 15/6)
6. Tổng đầu tư xã hội   Tăng 8,2% so cùng kỳ

(30,1% GDP)
7. Doanh số bán lẻ   Tăng 5,7% 

(loại trừ yếu tố giá)
8. Tình hình doanh nghiệp    
Thành lập mới   Giảm 4,1% so cùng kỳ

Tăng 19,3% về vốn
Giải thể – ngừng hoạt động   Tăng 16,3% so cùng kỳ
Hoạt động trở lại   Giảm 10,7% so năm trước

(Trích tham luận của ông Trương Đình Tuyển )

Ngay trong những tín hiệu được coi là tích cực nêu trên, dù tăng trưởng GDP đã cao hơn, ông Trương Đình Tuyển cho rằng khả năng đạt mục tiêu 5,8% khó xảy ra. Nếu muốn đạt con số này, nền kinh tế không có cách nào khác là đẩy mạnh khai thác dầu thô, than… như đã từng làm và cho thấy là không hiệu quả.

Một loạt những chỉ báo khác như tăng trưởng tín dụng ì ạch, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng và ngay cả việc lạm phát thấp cũng được các chuyên gia đưa ra một lý giải chung là tổng cầu yếu.

Nhóm chuyên gia Trần Thọ Đạt – Nguyễn Việt Hùng – Hà Quỳnh Hoa tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng phía cầu đã có những tín hiệu lạc quan hơn và có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, để có sự bứt phá, cần tác động từ chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ.

Trong khi đó ở phía cung, các học giả cho rằng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng nhưng chưa có sự bứt phá rõ ràng. Điều này cùng với xu hướng tăng của chỉ số hàng tồn kho và giảm của PMI cho thấy điều kiện sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp hiện tại vẫn còn khó khăn.

Đứng trước điểm nghẽn như vậy, vấn đề đặt ra là lựa chọn chính sách như thế nào được đa số các tham luận quan tâm và hiến kế. Bên cạnh những giải pháp lâu dài như đẩy mạnh tái cơ cấu, cải cách thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, một giải pháp ngắn hạn được không ít ý kiến nhắc tới là tác động tăng tổng cầu như nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu…

Tham luận của hai chuyên gia Bùi Trinh – Nguyễn Trí Dũng gây chú ý khi cho rằng việc tác động lên tổng cầu – nếu có, sẽ có những điểm tương đồng như học thuyết kinh tế Abenomics đang được Nhật Bản áp dụng, bao gồm 3 mũi tên: kích thích tài chính, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu.

Theo các tác giả Bùi Trinh và Nguyễn Trí Dũng, nếu tiếp tục kích cầu thì chỉ nên thực hiện ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, hệ số sinh lời của khối này ngày càng giảm, xuống mức khoảng trên 1%. Trong khi lãi suất phải trả ngân hàng trên dưới 10%. Do đó, về mặt kinh tế, các doanh nghiệp này không có động cơ đầu tư mở rộng sản xuất.

Tuy vậy, theo các tác giả chương trình này chỉ có thể thành công dựa trên nền tảng sản xuất (phía cung) rất mạnh mẽ, hàng hóa nhiều với chất lượng cao và giá cả thấp. Điều này khác hoàn toàn với Việt Nam khi phía cung vẫn còn yếu kém, sản xuất cơ bản là gia công. Việc can thiệp vào phía cầu khi đó được các chuyên gia này cho rằng không làm tăng sản lượng, mà chỉ làm nền kinh tế đứng trước nhiều rủi ro về vĩ mô (lạm phát, nhập siêu…).

Do đó, các chuyên gia ho rằng nhà điều hành cần nhất quán quan điểm hy sinh những mục tiêu ngắn hạn (tăng trưởng…) để dũng cảm từ bỏ những chính sách quản lý tổng cầu, kiên trì đẩy mạnh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế – về cơ bản chính là chính sách trọng cung. 

“Đó mới là “kế lâu bền” để đẩy sản lượng tiềm năng lên mức cao hơn và đạt được sự tăng trưởng bền vững, lâu dài, hơn mà không chỉ là “kích cầu” ngắn hạn để năm nay hoặc năm tới có được mức tăng trưởng như ý để làm đẹp báo cáo”, tham luận viết.

Nhật Minh

0913.756.339