Kinh tế Trung Quốc ngày càng méo mó

Trong một hội thảo ở New York hồi giữa tuần, ông Ha Jimming – Phó chủ tịch mảng quản lý tiền tệ tại Goldman Sachs Trung Quốc cho biết, đầu tư vào tài sản cố định tại nước này năm ngoái tương đương 46% GDP. Con số này còn cao hơn so với số liệu ghi nhận được vào năm 1958 khi Chủ tịch thời đó – Mao Trạch Đông cố biến Trung Quốc thành nền kinh tế công nghiệp hóa.

“Nền kinh tế đang ngày càng bị bóp méo và mất cân bằng so với thời kỳ Đại nhảy vọt”, Bloomberg trích nhận định của ông Ha cho biết.

Đầu tư mạnh đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế kỷ 21. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa công suất tại nhiều ngành công nghiệp, từ thép tới xi-măng. Việc này đang làm dấy lên lo ngại một số dự án sẽ không mang lại đủ lợi nhuận để trang trải nợ nần.

kinh-te-trung-quoc-ngay-cang-meo-mo

Người dân trên một con phố đi bộ tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Tỷ lệ đầu tư trên GDP của Trung Quốc cũng đã vượt số liệu hồi cuối thập niên 80 của Nhật Bản. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, bong bóng bất động sản Nhật Bản vỡ vụn, đẩy nước này vào tình trạng tăng trưởng ì ạch suốt 2 thập kỷ qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết.

Giới chức Trung Quốc từng chủ trương tăng cường đầu tư để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng 2008. Nhưng giờ đây, họ lại phải nỗ lực tạo ra một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, dựa vào lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa.

GDP của Trung Quốc có thể sẽ chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý III/2015, thấp hơn mục tiêu của cả năm 2015 là 7% và cũng là tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009, theo kết quả khảo sát của Bloomberg.

Chiến dịch “Đại nhảy vọt” vốn là một trong những nỗ lực nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Ông đầu tư lớn vào các doanh nghiệp quốc doanh, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp và yêu cầu người nông dân rời đồng ruộng để tham gia vào các dự án “lò luyện thép sân vườn”, nhằm đưa sản lượng thép tăng gấp đôi trong vòng một năm.

Giới sử học sau đó đã lên tiếng chỉ trích chính sách này, cùng với hạn hán, đã đẩy Trung Quốc vào một trong những nạn đói tồi tệ nhất lịch sử, khiến hàng triệu người thiệt mạng.

Ông Ha Jimming không cho rằng điều tương tự sẽ xảy ra với Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, theo ông, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ phục hồi một khi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình khắc phục được tình trạng giá sản xuất (PPI) giảm, công suất dư thừa và cho vay quá mức. Ông kêu gọi Chính phủ không nên chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá.

“Cải cách doanh nghiệp quốc doanh là một trong những chìa khóa giúp Trung Quốc phát huy được tiềm năng vốn có”, Nicholas Lardy – một thành viên cấp cao của Viện kinh tế quốc tế Peterson nhận xét và cho biết khối doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc chỉ thu về 3% lợi nhuận trên tổng tài sản 110.000 tỷ NDT (17.000 tỷ USD), chưa bằng một nửa lợi nhuận của khối tư nhân.

Còn đối với đồng NDT, ông Ha cho biết, các khách hàng Trung Quốc của Goldman Sachs vẫn phàn nàn rằng việc chuyển tiền ra ngước ngoài ngày càng khó khăn hơn sau khi Chính phủ thay đổi chính sách, thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đang tăng cường can thiệp trên thị trường để bảo vệ nội tệ sau đợt phá giá hồi tháng 8.

Phó chủ tịch Goldman Sachs Trung Quốc dự báo, dù PBOC có đủ nguồn lực và sẵn sàng ổn định NDT trong ngắn hạn, đồng tiền này sẽ vẫn suy yếu trong những năm tới do cán cân thương mại của Trung Quốc đang chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. “Trong dài hạn, NDT có thể sẽ giảm giá”, ông kết luận.

Kim Dung

0913.756.339