Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể đạt 180 tỷ USD

Tại diễn đàn xuất khẩu 2015 ở TP HCM ngày 17/11, ông Herb Cochran – Giám đốc điều hành Amcham Vietnam đã thốt lên rằng, 10 năm nay các doanh nghiệp Việt thường xuyên hỏi ông một câu hỏi: “Làm thế nào để thâm nhập vào thị trường Mỹ – một thị trường khổng lồ ở châu Mỹ”, nhưng cái quan trọng nhất họ lại bỏ lỡ việc đăng ký số A-D-U-N-S. Do vậy, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt bị trả về và gặp khó khi vào quốc gia này.

“Thực chất, để đăng ký mã này hoàn toàn đơn giản và chúng tôi cung cấp miễn phí. Mã số này là cái để chứng minh sự hiện hữu của công ty và nguồn gốc hàng hóa, đồng thời, chúng còn giúp đối tác trên toàn cầu biết được bạn là một doanh nghiệp đáng tín cậy, từ đó sẽ dễ dàng được chào đón hơn ở thị trường Mỹ”, ông Herb Cochran nói. 

kim-ngach-xuat-khu-cua-viet-nam-sang-my-co-the-dat-180-usd-trong-5-nam-toi

Thủy sản là một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu khá cao vào Mỹ. Ảnh: Phúc Hưng.

Ngoài ra, ông cũng nhắc nhở, doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu thị trường về chất lượng, giá cả, tính mùa vụ và thời gian giao hàng. Đặc biệt, cần tính toán thời gian chính xác cho các bước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ để giảm bớt chi phí sao cho tối ưu nhất. Chính phủ Việt Nam cũng cần có những cải cách hơn nữa về thủ tục hành chính, dịch vụ và hạ tầng để rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Ông cũng cho biết thêm, sắp tới, khi quốc hội Mỹ và các nước thành viên trong TPP đi tới ký kết thành công thì cơ hội cho hàng hóa sang thị trường Mỹ là vô cùng lớn. Bởi lẽ, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất sang đây không phải cạnh tranh nhiều với hàng của chính nước này vì định hướng phân khúc khác nhau. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu trong khu vực châu Á về tỷ trọng xuất khẩu hàng vào Mỹ, với kim ngạch trên 180 tỷ USD. 

Cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường Mỹ, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ – Bộ Công Thương cho rằng, đây là một trong những miếng bánh béo bở mà các doanh nghiệp trong nước nên để ý tới. Bởi, theo ông, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, dân số đông, thu nhập bình quân cao, người dân có thói quen mua sắm nhiều. Mặt khác, Mỹ là nước đa chủng tộc nên thị hiếu vô cùng phong phú. Ở một khía cạnh khác, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm 1,3% trong tổng nhập khẩu của Mỹ vào năm 2014. Do đó, Việt Nam càng có thêm động lực và rộng đường hơn khi vào Mỹ.

“Sắp tới, khi TPP đi tới thành công sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các nước ‘đối thủ’ của ta tại thị trường này trong các lĩnh vực dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, nông sản chưa hề có ký kết FTA (Hiệp định song phương) với Mỹ”, ông Khiên nói.

Vụ trưởng còn cho hay, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có ý định sang Việt Nam mua hàng để xuất khẩu sang Mỹ hoặc đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng cơ hội của TPP, cho nên doanh nghiệp Việt sẽ đạt được nhiều kết quả tốt. Dẫu vậy, ông cũng cho rằng, nếu các tổ chức nước ngoài xây nhà máy ở Việt Nam để sản xuất thì công ty nội sẽ bị cạnh tranh gay gắt, có thể bị thua ngay trên sân nhà nếu sản phẩm kém chất lượng, giá thành cao.

Ông khuyên, để cạnh tranh được, doanh nghiệp Việt không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn phải đảm bảo nguồn cung ổn định, thời gian vận chuyển nhanh, giá cả hấp dẫn. Đối với những sản phẩm giày dép không có thương hiệu, khả năng thiết kế thì nên hợp tác với các đơn vị nước ngoài để gia công ngay tại Việt Nam chứ không nên tốn thời gian qua Mỹ tìm đối tác. Ngược lại, các doanh nghiệp đã có thương hiệu nên minh bạch thông tin ngay trên chính website của mình để đối tác nước ngoài có thể dễ dàng tìm đến hợp tác.

Là một trong doanh nghiệp đang thâm nhập thị trường khó tính này, bà Nguyễn Thúy Hằng, quản lý bán hàng của Công ty TNHH Yến Nhung cho biết, sở dĩ công ty dễ dàng được thị trường Mỹ đón nhận là do trước đó đã mất nhiều công để xây dựng thương hiệu tại thị trường nội địa. “Khi chúng tôi có thương hiệu rồi thì các đối tác bên Mỹ đã tìm tới chúng tôi thông qua những thông tin cập nhập trên website. Còn một số khác biết đến qua các đơn vị trung gian. Hiện tại, kim ngạch xuất khẩu của công ty sang Mỹ còn thấp, nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ tăng tốc”, bà Hằng cho biết. 

Cũng háo hức tham gia vào thị trường Mỹ, ông Tô Quế Lâm, Giám đốc bán hàng Công ty TNHH Một thành viên TANS (thương hiệu đậu phộng Tân Tân cũ) cho biết, dù mới quay trở lại thị trường từ tháng 6/2015 nhưng thời gian tới công ty cũng sẽ đẩy mạnh xuất hàng sang Mỹ.

“Những năm trước đây, chúng tôi đã từng xuất hàng trực tiếp qua Mỹ và ngưng một thời gian khi công ty gặp khó khăn. Mới đây, khi trở lại chúng tôi sẽ lên kế hoạch mới cho cả thị trường trong và ngoài nước”, ông Lâm chia sẻ.

Năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt 36,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lên tới 30,6 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2013, còn Việt Nam nhập khẩu 5,7 tỷ USD từ quốc gia này.

Một số mặt hàng Việt Nam chiếm thị phần khá cao tại Mỹ như: giày dép (12,79%), dệt may (8,85%), thủy sản (8,16%), cà phê và trà (8,01%), hạt điều(5,02%), gỗ và sản phẩm gỗ (3,27%).

Hồng Châu

0913.756.339