Sinh ra và lớn lên tại Nam Định nhưng vì gia đình khó khăn, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Cao Xuân Lãng cùng gia đình lên sinh sống, lập nghiệp tại thôn Khuổi Piểu, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn).
“Buổi đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì không có đất trồng lúa nên chủ yếu đi làm thuê nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, do đó tôi luôn suy nghĩ và muốn thay đổi. Có lần tôi lên Hà Tây chơi tình cờ mua 3 cây giống cam canh về trồng được vài năm thì cây cho trái. Nhiều hộ dân trong vùng tới chơi ăn thử thấy ngon và hỏi tại sao không nhân rộng. Từ gợi ý đó tôi bắt đầu bén duyên với mô hình trồng cam”, ông Lãng kể.
Cam canh tại vườn nhà ông Lãng. |
Đến năm 1996, với số vốn chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng vay từ ngân hàng, ông Lãng mua thêm cây giống về trồng, sau 3 năm cây bắt đầu cho trái nhưng với số lượng không đáng kể. Mãi đến năm 2007, tích cóp được khoảng trên 10 triệu đồng, ông Lãng tiếp tục mua thêm khoảng 200 cây cam canh giống và một vài giống cây ăn quả khác như cam sành, bưởi… Cứ mỗi vụ ông bỏ ra khoảng một tuần để tới Hòa Bình, Nghệ An, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang… học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình canh tác hiệu quả để về áp dụng phát triển vườn cây của gia đình.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến 2010 số cây cam đã cho thu hoạch 6-7 tấn quả, còn một số loại trái cây khác cũng đạt số lượng cả chục tấn. Sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về 150-200 triệu đồng. Tới nay, ông Lãng đã mở rộng diện tích và có trong tay 8,6ha đất trồng cây ăn trái, trong đó cam canh chiếm 1,5ha. Vụ mùa 2015 -2016, ông thu 60-70 tấn trái cây, với giá trị đạt hơn một tỷ đồng, trong đó, cam canh đạt 20 tấn, bán cho thương lái với giá 25.000 -35.000 đồng một kg (tùy thời điểm).
“Mặc dù doanh thu cao nhưng vì làm với diện tích lớn nên tôi thường phải thuê thêm 10-12 nhân công. Sau khi trừ hết tất cả các loại chi phí đầu tư và tiền thuê nhân công, mỗi năm tôi lãi khoảng 300-400 triệu đồng”, ông Lãng nói.
Chia sẻ về mô hình trồng cam, ông Lãng cho biết, loại này thích hợp với khí hậu mát mẻ, chăm sóc cũng không quá khó khăn. Để phòng trừ sâu bệnh nên thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát hiện sâu bệnh kịp thời, sử dụng các biện pháp canh tác như xén, tỉa cành lá sâu bệnh…, và đặc biệt không phun hoá chất trước khi thu hoạch. Thời điểm thu hái tốt nhất là vào lúc trời râm mát, khô ráo. Quả thu hái về cần phân loại. Nếu vận chuyển đi thì đóng vào sọt hoặc thùng không quá 5 lớp (đóng sọt phải có lót rơm hoặc giấy giữa các lớp quả).
“Thông thường cam canh chỉ bảo quản được trong vòng 2 tháng nên nếu để quá lâu mà quả vẫn tươi là có sử dụng hóa chất bảo quản”, ông Lãng tiết lộ.
Cam canh thích hợp với khí hậu mát mẻ và chỉ thu hoạch vào vụ gần Tết. |
Bên cạnh việc chăm lo cho vườn cây ăn trái của mình, người nông dân này còn không ngừng mày mò tích lũy kinh nghiệm và chia sẻ với các hộ trong vùng bằng việc tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đồng thời tự tay lai, ghép giống cây để cung ứng cho bà con trong huyện. Mỗi năm, trung bình ông Lãng cung ứng ra thị trường 4.000-5.000 cây giống, mỗi loại cây có giá 15.000-20.000 đồng một cây. Riêng giống cây cam canh, ông đã cắt, ghép cung ứng cho bà con trồng được 100ha.
Dù đạt được khá nhiều thành quả tích cực, ông Lãng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm là làm sao tìm được đầu ra ổn định không chỉ cho riêng mình mà cho cả nông dân trong huyện.
“Mỗi lần thu hoạch là người dân trong vùng rất lo lắng vì giá cả phụ thuộc khá nhiều vào thương lái. Bởi lẽ, vùng sâu vùng xa, phương tiện đi lại khó khăn nên chúng tôi rất khó vận chuyển hàng ra các tỉnh, thành phố khác để bán nên nếu năm nào giá cả xuống thấp hay thương lái ngưng thu mua là người dân lỗ nặng”, ông Lãng bộc bạch và cho biết, mới đây, để gắn kết và tìm hướng đi mới, ông cùng chục hộ trong vùng lập ra Hợp tác xã Đại Hà để chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn trái sạch, đồng thời, tìm đầu mối tiêu thụ cho người trồng.
“Chỉ có doanh nghiệp ra tay giúp sức thì người nông dân mới có đầu ra ổn định, giá cả không bấp bênh. Từ đó, sản phẩm làm ra không những chất lượng ngày một tốt mà còn đánh bại cả sản phẩm ngoại nhập”, ông Lãng kỳ vọng.
Thi Hà