Khối nợ thế giới đang ở mức báo động

Mức nợ toàn cầu chính là hồi chuông cảnh báo thế giới có nguy cơ một lần nữa bị đẩy đến bờ vực suy thoái vì nợ. Tuy nhiên, nguy cơ này còn tùy thuộc vào mức độ lan truyền của làn sóng vỡ nợ. Đây là tình trạng đã xảy ra trong 2 cuộc khủng hoảng nợ lớn gần đây.

Cuối thập niên 90, khối nợ công phình to tại Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc, cùng sự vỡ nợ của Nga đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ tại các nước mới nổi. Đến năm 2008, khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ cũng đẩy cả thế giới vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ 7 thập kỷ, khiến châu Âu cũng lâm vào khủng hoảng nợ sau đó.

Sau năm 2008, nhà đầu tư đều đổ tiền vào Trung Quốc, Brazil và nhiều nước mới nổi khác, để tận dụng giá hàng hóa đang hồi phục và nền kinh tế phát triển nhanh tại đây. Ngân hàng ở những nước này cũng giải phóng lượng lớn tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước. Từ năm 2009, mức nợ tư nhân tại các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ 75% GDP lên 125%, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Nợ tại Trung Quốc và Brazil còn gấp đôi GDP.

Khối nợ của Trung Quốc hiện là vấn đề nhà đầu tư toàn cầu lo ngại nhất, khi đã tăng gấp 3 từ năm 2009, lên 30.000 tỷ USD, theo số liệu mới nhất từ hãng tư vấn McKinsey. Tăng mạnh nhất là khối doanh nghiệp, chủ yếu là công ty quốc doanh đi vay ngân hàng quốc doanh.

khoi-no-the-gioi-dang-o-muc-bao-dong

Khối nợ của Trung Quốc đang ở mức báo động. Ảnh: Bloomberg

Tình trạng này vẫn đang tiếp tục xấu đi. Hồi tháng 1, tổng tín dụng tại nước này tăng vượt dự báo khi các ngân hàng ào ạt cho vay để kích thích tăng trưởng ngắn hạn. Tuy nhiên, rắc rối là dù bao nhiêu tín dụng được bổ sung vào nền kinh tế, Trung Quốc giảm tốc là không thể tránh khỏi. Tăng đòn bẩy trong nền kinh tế vốn đã có đòn bẩy lớn chỉ càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu khủng hoảng nợ tại Trung Quốc có khả năng lan truyền cao hay không. Theo ông Harry Broadman – cựu nhà kinh tế học tại Ngân hàng Thế giới (WB), cơ chế tài chính khiến rủi ro vỡ nợ lan ra khắp thế giới là không rõ ràng. Đồng NDT vẫn chưa được hoàn toàn được tự do chuyển đổi, và phần lớn nợ của Trung Quốc vẫn bằng nội tệ. Việc này sẽ giảm thiểu rủi ro ngoại hối – vấn đề trong khủng hoảng tài chính châu Á.

Bên cạnh đó, phần lớn các khoản vay tại Trung Quốc là qua ngân hàng, hơn là trái phiếu. Trái phiếu mới có khả năng lan truyền rủi ro vỡ nợ.

Vì thế, dù chuyện gì có xảy ra, năm 2008 sẽ không lặp lại. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa cả thế giới sẽ an toàn trước quả bom nợ đang phình to của Trung Quốc. Rủi ro không nằm ở nợ, mà ở việc Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm trong bối cảnh nước này tập trung giải quyết khối nợ. Và chính mối lo này đã khiến chứng khoán toàn cầu năm nay có khởi đầu tệ nhất lịch sử.  

Miễn là Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ hệ thống ngân hàng, họ sẽ khó bị cạn kiệt thanh khoản như mùa thu năm 2008 – thời điểm các nhà băng Mỹ cạn vốn. Những người bán khống cũng khó tấn công các nhà băng Trung Quốc theo cái cách họ đã làm với Lehman Brothers khi nhà băng này bên bờ vực sụp đổ.

Ở Trung Quốc, tất cả vấn đề đều phụ thuộc vào độ sẵn sàng hỗ trợ của Chính phủ. “Ngay khi một ngân hàng hoặc một công ty có dấu hiệu nguy hiểm, Chính phủ sẽ can thiệp”, Derek Scissors – chuyên gia Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết.

Với các nước mới nổi khác, khối nợ cũng đang tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến thế giới có thể lạc quan một cách thận trọng rằng sự lan truyền sẽ được kiềm chế. Ví dụ, ngày càng nhiều nước áp dụng cơ chế thả nổi hơn so với trước, giúp họ có sự linh hoạt khi hạ giá nội tệ trong bối cảnh USD mạnh lên. Kenneth Rogoff – nhà kinh tế học tại Harvard nhận xét: “Theo quan điểm của tôi, tỷ giá thả nổi là lý do duy nhất Nga và Brazil vẫn chưa khủng hoảng tài chính”.

Các quốc gia này cũng nắm ít nợ niêm yết bằng USD hơn trước đây. Theo số liệu từ BIS, số nợ Mỹ do các công ty phi ngân hàng tại những nền kinh tế mới nổi nắm giữ vẫn đứng yên tại 3.300 tỷ USD quý III năm ngoái. Đây là lần đầu tiên số liệu này không tăng.

Cuối cùng, một trong những thủ phạm chính của khủng hoảng 2008 là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Đến năm 2008, cả thế giới có 60.000 tỷ USD hợp đồng này. Tuy nhiên, ngày nay, quy mô thị trường CDS hiện khá nhỏ, chỉ còn 16.000 tỷ USD năm 2014. Mọi thứ có thể sẽ vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu, nhưng sẽ không lặp lại tình cảnh như lần trước.

Hà Thu (theo Bloomberg)

0913.756.339