Khối ngoại buồn lòng vì chưa được nới room

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) tổ chức sáng nay (2/12), ông Dominic Scriven – Tổng giám đốc Dragon Capital đại diện nhóm công tác thị trường vốn nhận định dòng tiền nước ngoài vào thị trường chứng khoán vẫn còn hết sức khiêm tốn. “Từ đầu năm, chứng khoán Việt Nam mới thu hút được 150 triệu USD, con số không xứng đáng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”, ông nhấn mạnh.

Vị này cũng tính toán nếu các nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu bất chấp những điều kiện về giá, ngành… thì con số tối đa chỉ khoảng 3 tỷ USD, chủ yếu do giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở 49%.

nha-dau-tu-nuoc-ngoai-5083-1417490471.jp

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đề xuất nới room.

Do đó, trong suốt những kỳ VBF vừa qua, nhóm công tác thị trường vốn không ngừng khuyến nghị Việt Nam cần cho nước ngoài sở hữu 100% vốn tại các công ty kinh doanh trong lĩnh vực đã cam kết mở cửa thị trường theo WTO, chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối những ngành cần hạn chế đầu tư hoặc đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, nhóm này cho biết đã “không khỏi buồn lòng khi những đề xuất trên không có tiến triển”.

Mới đây nhất, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán cũng thông tin phải tới năm sau mới có thể ban hành văn bản cho phép nới room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. “Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có gì làm trong thời gian tới”, ông Dominic Scriven nói.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã có sự hồi đáp trấn an các nhà đầu tư. “Chủ trương chung của Chính phủ là ủng hộ dòng vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở phân loại doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không thuộc diện hạn chế, kinh doanh có điều kiện thì sẽ nới tỷ lệ sở hữu. Hiện Ủy ban chứng khoán đã xây dựng văn bản, bước đầu đề xuất nới room lên 60%”, ông Bằng cho biết.

Tuy nhiên, trong quá trình ban hành văn bản, đã có những quy định pháp lý khiến Ủy ban cần phải cân nhắc thêm và đưa ra hai hướng xử lý. Thứ nhất, có thể cho phép nới room thông qua sửa đổi một số điều trong Nghị định. Tuy nhiên, việc này phải tới tháng 6 hoặc tháng 10 năm sau mới có thể hoàn thành để làm cơ sở pháp lý tháo “nút thắt” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hướng thứ hai, Ủy ban chứng khoán sẽ xây dựng một Quyết định để trình lên Chính phủ. “Nếu làm hướng này thì sẽ nhanh hơn việc sửa đổi Nghị định, từ đó thúc đẩy thu hút dòng vốn nước ngoài, đẩy mạnh cổ phần hóa”, ông Bằng nhận xét.

Liên quan đến cổ phần hóa, nhóm công tác thị trường vốn phản ánh hiện đang bị thiếu thông tin. “Chúng tôi không thấy được danh mục và thời điểm của các tập đoàn, công ty, mà Chính phủ dự định cổ phần hóa. Thay vào đó, chúng tôi chỉ biết thông tin về thời điểm cổ phần hóa của doanh nghiệp thông qua báo chí một cách khá ngẫu nhiên. Hiện tại, không có một danh mục và thời hạn chính thức nào từ phía Chính phủ”, nhóm này cho biết.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, một danh mục với tên doanh nghiệp, thời điểm dự kiến sẽ được cổ phần hóa, dự kiến về quy mô và khoảng giá chào bán sẽ là một tín hiệu đầy đủ và rõ ràng nhất về quyết tâm của Chính phủ trong việc cổ phần hóa, và đồng thời cũng là một tín hiệu thông báo để nhà đầu tư quan tâm có lộ trình cần thiết để nghiên cứu, tìm hiểu doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào các doanh nghiệp mà họ quan tâm.

Về việc này, ông Vũ Bằng cho biết Chính phủ đã ban hành Quyết định 51 về bán vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó ra thời hạn rõ ràng doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Văn bản này cho thấy quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam trong việc niêm yết”, đại diện Ủy ban chứng khoán nhấn mạnh.

Phương Linh

0913.756.339