Khách sạn nổi Sài Gòn xuất hiện ở Triều Tiên

Dựa trên ảnh chụp từ vệ tinh và dữ liệu về địa điểm neo đậu hiện tại, NKNews – website chuyên tin tức về Triều Tiên có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) cho biết công trình nổi tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang hiện nay chính là Khách sạn nổi Sài Gòn, từng có mặt và kinh doanh tại Việt Nam suốt những năm 1990.

Là khách sạn nổi đầu tiên trên thế giới, dài 89m, kiến trúc sang trọng này được đóng tại Singapore và hoàn thành năm 1988. Trước khi đến Sài Gòn, khách sạn mang tên The John Brewer Reef Floating Hotel, hoạt động ở Australia, nhưng không hiệu quả.

KS-3-9303-1411533451.jpg

Ảnh từ Google map cho thấy khách sạn nổi này vẫn nằm im trên bến cảng Changjon.

NKNews là website tin tức có trụ sở tại Washington D.C và văn phòng tại Seoul, New York và London. Website này chủ yếu thu thập tin tức về Triều Tiên từ các du khách có cơ hội viếng thăm nước này, đồng thời lấy thông tin chính thống từ hãng tin KCNA.

Tổng biên tập của NKNews – Chad O’Caroll cũng là cây viết chuyên về Hàn Quốc và Triều Tiên của tờ Telegraph. Thông tin của ông cũng được các tờ USA Today, Business Insider… sử dụng.

Năm 1989, Tập đoàn EIC Development Company (Nhật Bản) đã mua lại công trình và đưa về TP HCM hoạt động dưới sự quản lý và vận hành của Công ty Australia’s Southern Hotels. Khách sạn được phép neo ngay trên mặt sông Sài Gòn, ở trung tâm quận I và nằm ngay bên đường Tôn Đức Thắng.

Với 201 phòng tiêu chuẩn 5 sao, nhà hàng, phòng tập thể dục, hồ bơi, sân tennis, quán bar… Khách sạn nổi Sài Gòn từng là một công trình mang tính biểu tượng của kinh doanh du lịch thành phố, nơi vui chơi thuộc hàng xa xỉ của người dân TP HCM những năm đầu thập kỷ 90.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo trong ngành du lịch, đến năm 1997, sau khi hàng loạt khách sạn cao cấp ở trung tâm thành phố được nâng cấp hoặc xây mới như Continental, Majestic, Rex, New World… tham gia cuộc đua cạnh tranh, Khách sạn nổi Sài Gòn bắt đầu chịu ảnh hưởng. Thêm vào đó, việc án ngữ ngay vị trí cửa ngõ trung tâm thành phố của khách sạn 5 sao này đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối, yêu cầu di dời đi nơi khác. Do đó, sau 2 năm kinh doanh sụt giảm, chủ đầu tư đã quyết định bán lại cho Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) với giá 18 triệu USD.

KS-2-3014-1411533451.jpg

Giá phòng khách sạn có lúc lên tới 335 USD một đêm.

Lúc 9h30 ngày 1/4/1997, Khách sạn nổi Sài Gòn chính thức nhổ neo rời khỏi TP HCM lên đường tới Singapore. Theo NKNews, Công ty Hyundai Asan – công ty con của Tập đoàn Hyundai đã cho kéo khách sạn nổi về Singapore để tu sửa và đặt tên mới là Hotel Haekumgang, sau đó đưa đến Triều Tiên, neo đậu tại cảng Changjon, gần khu nghỉ mát núi Kumgang. Vào năm 2000, Hyundai được đầu tư một số dự án lớn ở Triều Tiên, trong đó có dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng núi Kumgang, chủ yếu phục vụ du khách Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra vào năm 2008 khi một nữ du khách Hàn Quốc bị lính biên phòng Triều Tiên bắn chết gần khu du lịch Kumgang, khiến quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng, khu du lịch và khách sạn nổi bị đóng cửa.

NKNews cho biết, trong 6 năm qua, khách sạn nổi này vẫn nằm ở bến cảng, không hoạt động, vẫn còn nguyên vẹn dù bên ngoài nước sơn đã bong tróc nhiều chỗ. Người phát ngôn của Hyundai Asan cho biết công ty không có kế hoạch kéo khách sạn di động này đi nơi khác mà đang chờ cơ hội nối lại hoạt động du lịch đến Kumgang để tu bổ khách sạn và mở cửa trở lại.

KS-1-8486-1411533451.jpg

Khách sạn nổi Sài Gòn neo đậu ngay trên mặt sông trung tâm quận 1.

Nhớ lại hoạt động của Khách sạn nổi Sài Gòn khi xưa, chị Linh, một trong những nhân viên đầu tiên được tuyển làm việc tại đây, giờ đây đã là chủ một doanh nghiệp lữ hành cho biết nơi đây từng có 2 quán bar nổi tiếng Q Bar và Downunder Disco, là những tụ điểm vui chơi giải trí của khách nước ngoài ở Sài Gòn vào buổi tối.

Theo chị Linh, trong khi các khách sạn khác ở thành phố thuở ấy đều không được đầu tư cải tạo, dịch vụ lại kém, thì sự xuất hiện của khách sạn nổi này tạo ra hình ảnh rất mới mẻ, cả cho người dân lẫn du khách nước ngoài. Hầu hết các cuộc họp lớn đều chọn tổ chức ở đây. Toàn bộ phòng nghỉ được khách nước ngoài đặt kín.

“Giá phòng khách sạn nổi khi ấy có lúc lên tới 335 USD một đêm, nhưng không lúc nào trống. Nhà hàng, quán bar tối nào cũng đông kín khách”, chị Linh nhớ lại.

Theo số liệu của Sở Tài chính TP HCM, hoạt động kinh doanh trong 7 năm, từ tháng 7/1989 đến 30/8/1996, Khách sạn nổi Sài Gòn đã nộp ngân sách 10 triệu USD, một khoản tiền rất lớn khi ấy, nhất là trong bối cảnh ngành dịch vụ Thành phố còn kém phát triển.

Lâm Thao

0913.756.339